Những ngày giữa tháng 9/2023, chúng tôi đến Ủy ban nhân dân (UBND) xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, bất ngờ bắt gặp những gương mặt háo hức, vui tươi của các học viên (cả người trung niên lẫn các em thiếu nhi) dự lớp bồi dưỡng nghệ thuật ca trù huyện Đan Phượng.
Bà Phạm Thị Thuyết (thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp) cho biết, tham gia lớp bồi dưỡng có gần 50 học viên đến từ 16 xã, thị trấn, đây là những hạt nhân văn nghệ của huyện Đan Phượng. Bà Thuyết đã quen hát chèo từ nhiều năm nay nên cảm thấy rất yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Tôi cũng thường xuyên nghe ca trù nên biết thông tin huyện mở lớp dạy ca trù, tôi đăng ký học ngay. Ban đầu, học khổ ca đàn và gõ phách, tôi thấy hơi khó nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình học tập nghiêm túc, tìm hiểu về ca trù sẽ thấy được nét độc đáo của nghệ thuật này”, bà Thuyết cho hay.
Bên trong hội trường, Nghệ nhân nhân dân ca trù Nguyễn Thị Tam trong bộ áo dài màu đỏ mận quý phái tất bật chuẩn bị phách, lời bài hát cho học viên. Sau hai tiết mục trình diễn “Đào hồng, đào tuyết” và “Tắm mát trên dòng sông đào” do ca nương Mai Phương, ca nương Minh Thúy và nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trình bày, lớp học chính thức bắt đầu.
Trên sân khấu, các học viên trải chiếu ngồi xung quanh nghệ nhân Nguyễn Thị Tam. Gương mặt ai cũng thể hiện sự nghiêm túc, nắm bắt từng chỉ dẫn của nghệ nhân và sự say mê với môn nghệ thuật truyền thống này. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam giảng giải từng câu từ, nhịp phách, vần điệu để mỗi học viên nắm bắt được tinh thần của ca trù mà không cảm thấy nản vì khó. Học đến đâu, nghệ nhân hỏi lại học viên đến đó để nắm bắt được tinh thần cũng như sự tiếp thu của mỗi người.
Tiết mục “Đào hồng, đào tuyết” do ca nương Mai Phương, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trình diễn. |
“Ca nương nhí” Nguyễn Mai Phương (thôn Cổ Ngõa Hạ, xã Phương Đình) theo học ca trù được 5 năm, hiện đã có thể trình diễn được 10 điệu ca trù chia sẻ, còn nhớ vào một ngày hè cách đây vài năm, tình cờ được xem nghệ nhân Nguyễn Thị Tam biểu diễn, em thấy yêu thích ca trù, nên xin bố mẹ đăng ký cho theo học. Ban đầu học ca trù rất khó nhưng càng học lại càng thấy hay. Mỗi khi địa phương có lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù, em đều xin tham gia, vừa để trình diễn mẫu, vừa ôn luyện lời ca, ngón đàn, nhịp phách cho thuần thục hơn.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, các em nhỏ ở Thượng Mỗ rất yêu ca trù và cũng tiếp thu rất nhanh nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại. Để có thể hát đúng nhịp phách, ngân, rung đã khó nhưng khó hơn cả là làm sao hiểu được ý nghĩa từng câu hát để truyền cho đúng tinh thần ca trù. Phải mất 3 năm để các học trò của bà từ cảm được ca trù đến ngâm hơi, nhả chữ thành thục…
Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ của huyện Đan Phượng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam cho biết, bà sẵn sàng dạy tại nhà cho bất cứ ai yêu thích ca trù, muốn tìm hiểu, học về nghệ thuật truyền thống này. Qua đó nhân lên những hạt giống ca trù ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng, đưa ca trù đến với đông đảo người dân, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Hồi sinh nghệ thuật ca trù
Theo các học viên, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Minh Tam là người tâm huyết truyền dạy tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ca nương trẻ về ca trù. Nghệ nhân đã truyền dạy cho các học viên trong câu lạc bộ ca trù xã Thượng Mỗ và người yêu ca trù các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kỹ năng hát các làn điệu cơ bản của nghệ thuật hát ca trù như hát nói, hát miễu; luyện ngón, phách; khớp phách, đàn đáy, trống chầu; hợp luyện hát, đàn, trống, phách…
Được biết, hiện nay câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ có tổng số 45 hội viên. Cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ lại tổ chức các buổi đào tạo ca trù với sự tham gia của đông đảo học viên ở nhiều lứa tuổi, trong đó có các em thiếu nhi thực sự đáng quý. “Bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù không dễ dàng nhưng tôi tin rằng, ca trù sẽ từng bước đi vào đời sống đương đại và khẳng định được sức sống mãnh liệt của nghệ thuật truyền thống dân tộc”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam chia sẻ.
Lớp bồi dưỡng nghệ thuật ca trù nhằm nhân lên những hạt giống ca trù trong các xã, thị trấn của huyện Đan Phượng. |
Từ khi thành lập câu lạc bộ đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam đã dạy hơn 100 học trò, trong đó 45 người trở thành ca nương, có thể hát, biểu diễn nhiều lối hát ca trù cổ. Câu lạc bộ ca trù Thương Mỗ luôn duy trì trên 30 thành viên, độ tuổi trải rộng từ 6 đến 50. Cứ vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, nhà bà Tam lại rộn ràng tiếng hát. Mấy năm nay, người dạy kép đàn là ông Sách đã mất, bà Tam lại thay ông trực tiếp hướng dẫn học viên kỹ thuật đánh đàn, cầm trống chầu, giữ nhịp phách…
Theo các chuyên gia văn hóa, ca trù là loại hình nghệ thuật quý của cha ông để lại, đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Tuy nhiên, trong thời gian dài, loại hình nghệ thuật này bị lãng quên, thậm chí vắng bóng, vì vậy, việc bảo vệ, phát huy nghệ thuật hát ca trù là công việc lâu dài nhưng cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng mai một.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, cho biết, việc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Đan Phượng mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ tại huyện Đan Phượng cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát ca trù.
Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, hiện nay, với chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc và là niềm tự hào của người dân Đan Phượng. Tương truyền, ca trù xuất hiện ở Thượng Mỗ từ thế kỷ XVII. Trải qua thăng trầm lịch sử, nghệ thuật ca trù có thời từng bị quên lãng. Tuy vậy, với sự nỗ lực của nhiều nghệ nhân, người dân Thượng Mỗ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghệ thuật ca trù vùng đất ven đô đang hồi sinh từng ngày…
Dẫu biết việc bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này không hề dễ dàng nhưng người dân Thượng Mỗ luôn tin rằng, khi các em nhỏ còn yêu thích và theo học thì ca trù sẽ khó mai một.
Năm 2009, nghệ thuật ca trù đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó đến nay, ca trù đã có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn ca trù đã có những khởi sắc hơn, thể hiện qua mức độ thực hành di sản được duy trì thường xuyên, sự mở rộng về số lượng người tham gia và số lượng các câu lạc bộ. Hiện nay, Hà Nội đã có gần 20 nhóm, câu lạc bộ ca trù sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm hàng chục làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy cùng hàng trăm người theo học. |
PV
https://laodongthudo.vn/hoi-sinh-nghe-thuat-ca-tru-o-vung-dat-ven-do-160935.html