Lan tỏa phong trào “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”

Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội phát động từ năm 2018, và đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trong các cấp Hội Phụ nữ Thành phố. Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động, phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025″.

Ứng xử thanh lịch, văn minh vốn được coi là nét đẹp của người Hà Nội, là giá trị quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu ca không chỉ mang đến niềm tự hào, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người dân đang sinh sống, làm việc, học tập ở Thủ đô phải luôn có trách nhiệm giữ gìn, định hình văn hóa của người Hà Nội thông qua hành vi ứng xử hàng ngày.
Lan tỏa phong trào “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2022 – 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Tại Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI đã thống nhất tiếp tục phát động thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 hướng vào việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thành phố nâng cao nhận thức và thực hành văn hoá ứng xử trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp; văn hoá ứng xử trong gia đình, cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và trên không gian mạng.

Với sự chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm cao, trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội Phụ nữ toàn thành phố đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện các nội dung của Cuộc vận động gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch” và các Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố.

Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” đã được nhân rộng, có sức lan tỏa cao, tạo nên những chuyển biến tích cực của hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch – văn minh.

Như mô hình “Đường hoa phụ nữ tự quản góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và nhân dân tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tính đến nay, toàn Thành phố có 8.293 đoạn đường phụ nữ tự quản với 3.999 đoạn đường xanh – sạch – đẹp, 841 đoạn đường nở hoa.

Từ tháng 7/2023 các mô hình phụ nữ tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được: 20 Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả; 30 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu; 51 tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu.

Về môi trường, mô hình “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản” được Hội LHPN 100% quận, huyện, thị xã hưởng ứng và triển khai, đã có 67 mô hình được thành lập mới, toàn thành phố đã có 366 vườn hoa phụ nữ tự quản. Trong đó, mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi nilon” và mô hình “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” đã được nhân rộng triển khai tại 100% các chi hội phụ nữ dưới nhiều hình thức mới, tên gọi mới.

Để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, các cấp hội tiếp tục duy trì nhiều loại hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ gắn với loại hình nghệ thuật truyền thống như: Câu lạc bộ Chèo ở huyện Phú Xuyên, quận Long Biên, quận Tây Hồ; Câu lạc bộ Ca Trù ở huyện Quốc Oai; Câu lạc bộ Cồng chiêng ở huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì…

Các cấp hội còn thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa địa phương như Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch “Gia Lâm trong tôi”; các “Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền về Quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử”; “Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích” tại quận Ba Đình… thu hút nhiều hội viên trẻ tham gia, góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa truyền thống, biến giá trị văn hóa thành động lực cho phát triển du lịch, văn hóa của địa phương.

Các mô hình phụ nữ ứng xử đẹp trong gia đình và cộng đồng cũng phát huy tối đa hiệu quả. Như mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang” với các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm, ký cam kết của cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức việc cưới, việc tang. Các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trật tự văn minh đô thị cho 168.750 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự. Vận động được 12.631 đám cưới, 8.367 đám tang văn minh, hoãn tổ chức 424 đám cưới do ảnh hưởng của dịch Covid-19; quyên góp 3.474,6 triệu đồng, 85.718 kg gạo, 2.680 con lợn giống tặng cho 31.339 lượt phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Qua các phong trào, các mô hình, trong giai đoạn 2022 – 2024, đã có 3.367 tập thể, 7.514 cá nhân được các cấp, ngành biểu dương, tôn vinh; 19 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực được vinh danh và 29 cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt của Thành phố; nhiều điển hình phụ nữ được lựa chọn để viết sách Những bông hoa đẹp, Ngàn hoa dâng Bác.

Qua các mô hình, là minh chứng sống động cho tính hiệu quả, thiết thực và sức lan toả của Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” trong thời gian qua, góp phần mang đến những điểm sáng cho công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội Thanh lịch, văn minh.

Bảo Thoa

Lan tỏa phong trào “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” (laodongthudo.vn)