Chân dung của người Hà Nội khắc họa rõ nét ở phần nhân cách và được thể hiện thông qua cuộc sống đời thường như:
Lòng tự trọng: bắt nguồn từ ý thức dân tộc, sự trân trọng và tự hào về truyền thống vẻ vang của tổ tiên, ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong quá trình cách mạng và kháng chiến. Người Hà Nội luôn luôn trân trọng và tự hào về những chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm mà cha ông đã làm được. Lòng tự trọng của những người con đất “Rồng bay” luôn được nêu cao, luôn được thể hiện đúng lúc, đặc biệt trước quân xâm lược. Việc gìn giữ lòng tự trọng thể hiện sự kiên cường của người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt nói chung, như một sự dẫn lối cho lòng kiên cường vượt qua thử thách.
Lòng nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình: Lòng nhân ái của người Hà Nội vốn đã có nguồn gốc sâu xa từ chính cuộc sống, sinh hoạt và đấu tranh lâu dài của dân tộc. Đây là bản chất, đồng thời là hệ quả tất yếu của một đất nước đã buộc phải giành đến hơn một nửa thời gian lịch sử của mình để đối phó với chiến tranh. Hơn ai hết, những người con đất Hà Thành thấu hiểu những khó khăn, vất vả của quãng thời gian bị xâm lược, nên khi đã dành được hòa bình, họ trân trọng và gìn giữ điều đó. Cũng không quá khi Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, điều đó đủ để thấy được tấm lòng nhân ái yêu chuộng hòa bình của con người nơi đây.
Óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới: Là một đô thị hội tụ người bốn phương nên khách quan đòi hỏi người Hà Nội phải có đầu óc thực tế, thể hiện ở các mặt: Xem xét tính toán trong làm ăn để thu được lợi nhuận. “Khéo tay hay làm, đất lề Kẻ Chợ” là câu ngạn ngữ quen thuộc ca ngợi tài hoa, sáng tạo của những người thợ thủ công kinh thành. Người Hà Nội xưa và nay có khả năng thích nghi rất nhanh, rất nhạy cảm, khá năng động và không ngại tiếp nhận những cái mới và tìm tòi, cải tiến, sáng tạo thành cái của mình. Người dân ở các vùng của đất nước đưa nghề thủ công về Hà Nội, người Hà Nội nhanh nhạy nắm bắt đã tạo thành nghề 36 phố phường sầm uất.
Óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới còn được thể hiện trong các công trình kiến trúc, văn hóa, trong việc du nhập các luồng tư tưởng tôn giáo, không chỉ tiếp xúc giao lưu với các nền văn hóa phương Bắc mà cả với nền văn hóa phương Tây…
Nghị lực, trung thực, thẳng thắn và giàu nghĩa khí: Biểu hiện rõ nhất của điều này thể hiện ở lòng tự hào dân tộc, sự yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã được lịch sử ghi nhận. Đức tính cao đẹp đó không chỉ người Hà Nội mà đã được nhân rộng ra, trở thành một phần của người Việt Nam.
Nghị lực của người Hà Nội còn được thể hiện ở con đê ngăn lũ sông Hồng đắp suốt chiều dài lịch sử ngàn năm xây dựng đô thành. Phải có nghị lực mạnh mẽ
Trọng học thức, chuộng cái đẹp: Chính vì Hà Nội là nơi hội tụ và đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc, nên vùng đất và con người Thăng Long cũng là nơi có tinh thần ham học và quý trọng trí thức. Do sống trong môi trường của đô thành, lại có học vấn khá nên người Hà Nội cảm nhận được vẻ đẹp từ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, kiến trúc nghệ thuật, thích thưởng ngoạn những nơi thiên nhiên đẹp, những tác phẩm nghệ thuật đẹp.
Văn minh, thanh lịch: Nói đến vẻ đẹp của người Hà Nội là nói đến nếp sống văn minh, thanh lịch hay chính là sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Sự văn minh, thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua từng lời nói. Cái đẹp của tiếng nói Hà Nội ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước.
Nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện ở trang phục. Trong trang phục của cả nam và nữ, của người già và trẻ em… luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị và mỗi người ăn vận đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Trang phục áo dài của thanh nữ Hà Nội vẫn là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.
Về ăn uống , người Hà Nội thể hiện nét văn minh, thanh lịch ở trình độ thẩm mỹ cao, sự tinh tế trong công việc chế biến thức ăn. Chính chất tinh tế trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã sáng tạo nhiều món ăn nổi tiếng trở thành đặc sản Hà thành như: Phở, bún thang, bún ốc, chả cá, bánh cuốn Thanh trì, chè kho, cốm vòng, bánh tôm Hồ Tây…
Thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là sự tổng hợp của nhiều nét đẹp khác nhau, nó vừa có sự hào hoa phong nhã, vừa có sự giản dị chất phác, lại mang âm hưởng của truyền thống và hiện đại… Chính vì vậy, đây có thể coi là nét đặc trưng nhất của tính cách người Hà thành.
Trí tuệ: Điều này thể hiện rõ nét ở các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể hiện có tại Hà Nội. Đó chính là quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám, biểu tượng Đài Nghiên Tháp Bút thể hiện tư tưởng biết cất nhắc, trọng dụng người tài và các cá nhân có thành tích xuất sắc. Nét tính cách này thể hiện qua tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục, quý trọng tri thức của đại đa số người dân thủ đô mà đến nay vẫn chưa hề phôi phai.
Phóng khoáng, hào hoa: Đó là phong thái hào sảng, phóng khoáng, lịch sự không chỉ ở những người nghệ sĩ nổi tiếng mà còn có ở những người dân bình thường. Tạm thời bỏ qua tầng lớp trí thức, ngay cả những người bình thường cũng có một vài nét đặc trưng khác biệt: hơi ngang tàng, ngông nghênh, có tự trọng, trọng danh dự và trọng danh vọng.
Tính chừng mực:Nhìn chung người Hà Nội ít khi rơi vào trạng thái quá khích, mà thường giữa thái độ ung dung, đủng đỉnh. Họ không ham hố, không sân si mà coi trọng nhiều về sự bình an, yên ổn. Chính điều này đã tạo nên nếp sống giản dị, mộc mạc của người xứ kinh kỳ.
Qua một số đặc trưng nổi bật trong tính cách của người Hà Nội xưa và nay, chúng ta có thể hiểu thêm phần nào về con người nơi đây. Theo thời gian, các nét trong tính cách của người Hà Nội đã được nâng lên trở thành một phẩm chất đặc trưng, chỉ có ở người Hà Nội. Tuy cũng có những mặt tốt, mặt trái khác nhau nhưng phần lớn những người con đất Kinh kỳ luôn biết chọn lọc, phát huy những điều tốt đẹp để xây dựng văn hóa cho Hà Nội nói riêng cũng như văn hóa Việt Nam nói chung.
Trang Anh (t/h)/MASK