Thị xã Sơn Tây: Chủ động giáo dục học sinh thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) – nhà giáo Phan Thị Thu Hương, cho biết, hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nếp sống thanh lịch, văn minh, các giá trị tinh thần cao đẹp, nhân văn trong các nhà trường đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Chủ động giáo dục đạo đức, nếp sống thanh lịch, văn minh đem lại nhiều quả ngọt

10 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Sơn Tây đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, góp phần thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

tuyen-duong.jpg
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây tuyên dương, khen thưởng học sinh tiêu biểu trong phong trào “Nói lời hay – Làm việc tốt – Ứng xử văn minh” năm học 2023 – 2024.

Hiện thực hóa mục tiêu lớn tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngành giáo dục thị xã Sơn Tây luôn chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh. “Trước hết là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Song song với đó là hình thành nếp sống thanh lịch, văn minh, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; khẳng định, tôn vinh cái đúng, tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn; đề cao, tôn trọng con người; quan tâm nâng cao trí tuệ, cải thiện chất lượng sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”, nhà giáo Phan Thị Thu Hương, cho biết.

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của toàn ngành, trong 10 năm qua, hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nếp sống thanh lịch, văn minh, ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, các giá trị tinh thần cao đẹp, nhân văn đã có nhiều đổi mới, đem lại những kết quả đáng khích lệ. Trong đó 100% các nhà trường quan tâm tổ chức cho học sinh được tham quan và tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa địa phương: Thành Cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Khu Tưởng niệm Bác Hồ tại K9, Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

Qua đó học sinh được bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, có thêm những hiểu biết về văn hóa, về lịch sử, các di tích của địa phương, thêm tự hào về truyền thống quê hương, nâng cao tầm hiểu biết về văn hóa các dân tộc và có ý thức hướng về cội nguồn, giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc; bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em có cơ hội thể hiện năng lực bản thân.

Ngành giáo dục Sơn Tây phối hợp với Đoàn Thanh niên Thị xã phát động phong trào “Nói lời hay – Làm việc tốt – Ứng xử văn minh” trong hai năm học gần nhất, 100% trường học đã triển khai tới toàn thể học sinh thực hiện tốt nội dung này. 98,28% học sinh đã thực hiện tốt phong trào “Nói lời hay – Làm việc tốt – Ứng xử văn minh”. Phong trào này đã góp phần giáo dục đạo đức, khả năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao ý thức kỷ luật cho học sinh tại các nhà trường trên địa bàn. Học sinh tự giác chấp hành về các quy định của pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu vi phạm ATGT, tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu nhi.

stay-doivien.jpg
Các em học sinh tham quan, trải nghiệm di sản và nhà trường tổ chức kết nạp đội viên mới tại điện Kính Thiên – Thành cổ Sơn Tây.

“Nhiều học sinh nhặt được ví tiền, đồng hồ, dây chuyền… đều tìm cách trả lại người đánh rơi. Học sinh tích cực tham gia các cuộc vận động: Tết vì bạn nghèo, Những viên gạch hồng, Tết yêu thương, Học bổng cho học sinh nghèo, Ủng hộ học sinh vùng lũ lụt… Những điều đó góp phần giáo dục các em tính trung thực, thật thà, tình yêu thương, biết sẻ chia trong cuộc sống. Học sinh biết hướng tới lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Nhà giáo Phan Thị Thu Hương.

Bên cạnh đó, các trường học từ cấp mầm non tới THCS đã phối hợp Công an Thị xã lồng ghép trong chương trình giảng dạy chính khóa về an toàn giao thông và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa về “Văn hóa giao thông” cho học sinh. Công tác giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới cho giáo viên, học sinh được thực hiện thường xuyên. 100% học sinh Tiểu học và THCS đã ký cam kết không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện trong học sinh, xây dựng môi trường học đường không khói thuốc. Từ đó nâng cao ý thức cho các em học sinh, góp phần tích cực xây dựng một môi trường sống, học tập, làm việc có văn hóa, an toàn, lành mạnh.

Thời gian qua, toàn bộ học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn Thị xã Sơn Tây ký cam kết giữ vệ sinh môi trường, góp phần tạo cảnh quan trường lớp luôn xanh – sạch – đẹp. Các em học sinh thực hiện nếp sống văn hóa văn minh: không bỏ rác bừa bãi trong lớp học, trong sân trường, các nơi công cộng. Các trường học trồng thêm hoa và chăm sóc cây xanh, trang trí cây xanh trong lớp học. Học sinh tham gia tuyên truyền cho gia đình, người thân thực hiện nghiêm quy định của Thị xã trong việc bỏ rác thải sinh hoạt hàng ngày tại nơi cư trú, bỏ rác thải đúng giờ và đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Gợi mở hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW

Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Sơn Tây cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục con người có lúc chưa thường xuyên; sự phát triển của Internet cùng các nền tảng mạng xã hội không có sự kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung cũng như giới hạn lứa tuổi đã tạo môi trường thiếu lành mạnh trong giáo dục trẻ em…

son-tay-ngay-sach.jpg
Các em học sinh trường Tiểu học Lê Lợi (Thị xã Sơn Tây) tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2024 tại nhà trường.

Để góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Sơn Tây cho rằng cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tư tưởng và nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học.

Tiếp đến, cần đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ cấp học mầm non. Tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm, gắn bài học với thực hành. Xây dựng môi trường nhà trường hạnh phúc, thân thiện, tích cực; lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”… Tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, cái đúng, cái đẹp và các giá trị cốt lõi của con người.

Cần tiếp tục phổ biến rộng rãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; giới thiệu, tôn vinh giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, tạo bản lĩnh và sức đề kháng cho học sinh, góp phần chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Cuối cùng là phát huy vai trò, trách nhiệm của thầy cô giáo, gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho học sinh; trong thực hiện các giải pháp đấu tranh loại trừ các sản phẩm độc hại, phản văn hóa, những nội dung trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến xây dựng con người trên các nền tảng xã hội và trong môi trường giáo dục. Từ đó, xây dựng môi trường sống, môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, tiến bộ./.

Quỳnh Chi

Thị xã Sơn Tây: Chủ động giáo dục học sinh thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh (nguoihanoi.vn)