10 câu đối ở Trấn Vũ quán

Trấn Vũ quán (nay là đền Quán Thánh) nằm ở phía Bắc kinh đô, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Theo văn bia khắc bài minh của vua Lý Thái Tổ ngày 20 tháng Năm năm Thuận Thiên thứ hai (1011) hiện đang lưu ở đền Sái (làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) thì sau khi lên ngôi, Ngài tiến hành rước duệ hiệu Thánh Huyền Thiên về ngự ở đền Trấn Vũ với mong muốn nhờ uy linh của Thánh để “điện quốc đô” (khiến kinh đô vững bền).

den-quan-thanh-1.jpg

Nội dung bài minh như sau:
Năm Thuận Thiên thứ hai ngày 20 tháng Năm.
Từng nghe từ cổ (người) lập công một thời, hưng lợi một bang, nhất nhất phải ghi ơn và thờ tự.
Bảo hộ đất nước, công lao với dân, đức ấy lớn thay!
Thiên đế từ phương Bắc xuống nước Nam truyền thần công đức, vô cùng anh linh không gì thay thế được.

Ta thụ mệnh trời, mở rộng hồng đồ, kiến tạo thành Thăng Long, truy theo đức Trấn Vũ ở Đương sơn. Xin ngài trấn ngự phù trợ ở phía Bắc bang của ta, để cho dân trong thiên hạ ghi ơn. Ở đầu hồ cửa phía Bắc thành từng lập đền thờ tự Ngài.

Ngày mồng 5 tháng Năm, ta thân hành phụng nghênh duệ hiệu (Ngài) về thành của ta phụng sự để quốc đô mãi vững bền, dân phụng thờ như cũ.
Trong đền Trấn Vũ có rất nhiều câu đối hoành phi cổ quý giá. Đặc biệt ở gian giữa đền, trên cao là những câu mang vẻ thâm trầm, không rực rỡ sơn son thếp vàng mà sơn then khảm trai với họa tiết là những dây hoa nhỏ, tinh tế sang trọng. Đó là ý tứ của các bậc trí thức, trọng thần… của triều đình nhà Nguyễn đời vua Thành Thái khắc họa vào năm Quý Tỵ – 1893, ca tụng “Bắc kì đệ nhất danh thắng” với thế đắc địa linh thiêng, vẻ đẹp kỳ thú và sự trường tồn của nơi đây.

Dưới đây là 10 câu đối ở đền Trấn Vũ:

Câu 1: Đặt ở cổng tam quan
Phiên âm:
Đăng môn diêu vọng Long Đỗ, chung linh đặc địa lâu đài cận ấp Tây Hồ nguyệt
Lịch đại xứng truyền Đế đô, tứ trấn kính thiên hoa biểu dao đối Vũ Đương sơn.
Dịch nghĩa:
Lên cửa trông xa Long Đỗ, đúc hun đất quý, lâu đài ôm ấp bóng nguyệt Tây Hồ.
Truyền đời danh xứng Đế đô, tứ trấn kính thiên, hoa biểu xa nghênh
Vũ Đương núi biếc.

Câu 2: Đặt ở ban thờ, dưới bức hoành “Thiên địa đồng kì du cửu” (Muôn thuở cùng trời đất). Câu này do Nguyễn Khắc Vĩ – Thượng thư sung Bắc Kì Kinh lược Nha thương tá bái đề.
Phiên âm:
Lục thất lý bình hồ lưu sảng hạo, liên hương trúc ảnh tịch thần quang điểm xuyết,
phong nguyệt song thanh.
Thiên bách lý di tượng nghiễm sùng, cao hổ quái hồ yêu trượng pháp lực
khu trừ yên vân tứ tán.
Dịch nghĩa:
Sáu bảy dặm hồ yên bát ngát, hương sen bóng trúc, mượn thần quang điểm xuyết,
gió mát trăng thanh.
Trăm ngàn năm để tượng nghiêm sùng, hổ lớn hồ tinh, dùng pháp lực đuổi trừ,
mây tan khói tán.

Câu 3: Câu này do Dương Khuê – Thượng thư sung Bắc kì Kinh lược nha Tham tá bái đề.
Phiên âm:
Diệu đế thục năng tri, thiêm khả bốc, mộng khả kì, thiên địa quỷ thần u giả.
Đạt quan đương tự ngộ, sơn chi cao, thuỷ chi viễn,
nhân dân thành quách thị da?

Dịch nghĩa:
Diệu đế ai hay biết, thẻ cứ bốc, miệng cứ cầu, trời đất quỷ thần u hiển?
Đạt quan đương tự ngộ, non thì cao, nước thì thẳm,
nhân dân thành quách đó chăng?

Câu 4: Câu này do Dương Lâm – Tuần phủ Thái Bình; Trần Văn Viễn – Án sát; Vũ Hữu Ngọc – Thị lang lãnh Đốc học bái đề.
Phiên âm:
Yên ba vạn khoảnh trung, Lê chi đài da, Trịnh chi cung da, phủ ngưỡng trần tích.
Hồ sơ thiên lý ngoại, Nùng kì chẩm dã, Nhĩ kì đối dã, cao thâm cự quan.
Dịch nghĩa:
Giữa khói mây vạn khoảnh, đài nhà Lê này, cung chúa Trịnh nọ,
ngước trông nền cũ.
Ngoài núi hồ ngàn dặm, gối ở non Nùng, đai quanh sông Nhĩ,
quang cảnh cao thâm.

Câu 5: Đặt ở dưới bức hoành “Bắc kì đệ nhất danh thắng”. Câu này do Trương Quang Đàn – Phụ chính đại thần Đông các Đại học sĩ bái đề.
Phiên âm:
Cổ Thăng Long tam thập cảnh chi nhất linh tích cửu lưu kỉ truyền,
kinh tang hải biến thiên, biệt thành tịnh địa.
Hoàng Thành Thái ức niên sơ ngũ hưu công trùng sáng tạo,
tòng thử phong vân ủng hộ, vĩnh trấn danh đô.
Dịch nghĩa:
Cổ Thăng Long một tích thiêng của ba mươi cảnh, cửu lưu truyền lại,
dâu bể biến thiên thành nơi tịnh địa.
Vua Thành Thái năm thứ năm trong ức vạn niên, sáng tạo trùng tu,
phong vân quấn quýt, mãi trấn danh đô.

Câu 6: Đặt dưới bức hoành “Tác sơn hà chi tráng” (Đem lại lại vẻ hùng tráng cho non sông). Câu này do Phan Trọng Địch – Nguyên Phiên sứ Hải Dương bái đề.
Phiên âm:
Đông Chí Linh, tây Tản Viên, tuệ nhãn thí cao chiêm
Nam Bảo Đài, bắc Lạn Kha, vạn lý giang sơn chiêu củng ngoại
Tiền Lãng Bạc, hậu Hoàn Kiếm, sùng từ thử tằng tráng
Tả Bích Câu, hữu Trúc Bạch, nhất thiên cảnh trí họa đồ trung.
Dịch nghĩa:
Đông Chí Linh, tây Tản Viên, mắt sáng thử cao trông
Nam Bảo Đài, bắc Lạn Kha, vạn dặm non sông cùng chầu lại
Trước Lãng Bạc, sau Hoàn Kiếm, đền thiêng này càng đẹp
Trái Bích Câu, phải Trúc Bạch một trời cảnh vật ở tranh này.

Câu 7: Câu này do Lê Hoan – Tuần phủ Hưng Hóa, gia Thự Tổng đốc nha; Nguyễn Thuật – Án sát; Lê Vĩnh Mô – Đốc học bái đề.
Phiên âm:
Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên sắc tướng câu không, chân thân thường tại
Huyền Thiên quán vân du thử nhật tiên chi ngẫu kí, linh tích trường lưu
Dịch nghĩa:
Núi Vũ Đương luyện đá năm nao, sắc tướng đều không, chân thân thường tại.
Quán Huyền Thiên vân du ngày ấy, gửi cả Tiên chi, tích thiêng còn mãi.

Câu 8: Câu này do Trần Đình Túc – Tổng đốc Hà Ninh bái đề.
Phiên âm:
Đĩnh nhạc độc nghiên chung, tố An Dương hất Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê,
hộ quốc tí dân tinh linh cái cổ
Trung thiên địa nhi lập, đương Chu, Tần lịch Hán, Đường Tống, Nguyên,
Minh, siêu phàm nhập Thánh, thanh tích truyền kim.
Dịch nghĩa:
Vươn cao sừng sững, từ An Dương vương đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê,
hộ quốc cứu dân, anh minh tự cổ
Đứng trong trời đất, ngang cùng Chu, Tần đến Hán, Đường, Tống,
Nguyên Minh, siêu phàm như Thánh, danh mãi đời sau.

Câu 9: Câu này do Nguyễn Đình Quang – Bố chánh Hải Dương bái đề.
Phiên âm:
Mỹ tai, thử đế vương chi đô, nhung mã kỉ kinh vạn trượng,
kiên thành vô phu xứ
Nguy nhiên, dữ thiên địa tịnh lập, uy xà vĩnh trấn,
thiên thu bảo kiếm hũ dư linh
Dịch nghĩa:
Đẹp thay! Kinh đô đế vương, nhung mã bao phen,
vạn trượng thành dày không thể phạm.
Lớn vậy! Vững cùng trời đất, rắn rùa trấn yểm,
ngàn năm kiếm báu mãi còn thiêng.

Câu 10: Câu này do Nguyễn Trọng Hợp – Phụ chính Đại thần, Văn minh điện Đại học sĩ, Cơ mật viện Đại thần, Quốc sử quán Tổng tài, kinh diên giảng quan kiêm quán Khâm Thiên giám sự vụ, tước Vĩnh Trung tử bái đề.
Phiên âm:
Bắc phương chi tinh viết Huyền Vũ, trung thiên địa nhi lập
Nam Giao hữu quốc tự Hồng Bàng, lịch Trần Lê hất kim
Dịch nghĩa:
Sao nơi Bắc phương gọi là Huyền Vũ, sừng sững giữa trời
Nước ở Nam Giao tự thủa Hồng Bàng, Trần Lê tiếp nối.
Trên đây là 10 câu đối do các danh sĩ triều Nguyễn, chủ yếu viết vào năm Quý Tị niên hiệu Thành Thái – 1893. Nội dung các câu đối thật phong phú, hàm súc thể hiện tài năng của các văn tài như Nguyễn Trọng Hợp, Dương Khuê… đều là người Hà Nội. Đầu xuân năm mới, vãng cảnh dâng hương đền Quán Thánh, đọc các câu đối này để hiểu thêm giá trị đặc biệt của một di tích ở Thủ đô, cũng như tầm vóc người xưa sớm đã nhìn xa trông rộng. Quốc đô gấm vóc, linh khí ngàn đời, ngưỡng trông càng thêm kiêu hãnh!

Hoàng Mai Hương

https://nguoihanoi.com.vn/10-cau-doi-o-tran-vu-quan-67249.html