Phải thẳng thắn rằng, gìn giữ và xây dựng văn hóa không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, làm sao để thời gian là chất xúc tác góp phần vun bồi “chất” Hà Nội là việc mà mỗi người con gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến này đã, đang và sẽ phải làm để giữ nền, xây nếp văn minh. Khép lại tuyến bài “Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU: Vun bồi để toả sáng tinh hoa Hà Nội”, Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội để thấy được tác động của Chương trình số 06-CTr/TU tới xây dựng văn hóa Thủ đô; đồng thời, có những giải pháp khơi gợi để vun bồi văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Viết Chức khẳng định: Người Thủ đô, trước hết phải yêu Thủ đô, yêu trái tim của cả nước, từ tình yêu nhỏ góp thành tình yêu lớn với Thủ đô, đất nước. Phải biết tự hào về Thủ đô và biết tự ái về Thủ đô. Nói cách khác, yêu thương dành cho Thủ đô nhưng đồng thời thấy những mặt chưa được, thấy những thiếu khuyết của Thủ đô thì phải biết tự ái. Từ sự tự ái này bản thân sẽ có quyết tâm học tập, vun bồi trình độ, đạo đức để Thủ đô phải đi đầu, để đất nước không tụt hậu.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều quan điểm cho rằng, những mặt hạn chế trong ứng xử của người Hà Nội thời gian gần đây là do người Hà Nội nay đã bị pha tạp, người Hà Nội gốc ít hơn người Hà Nội nhập cư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng điều này là chưa chính xác. Bởi những người đến, sống và trụ lại được ở Thăng Long đều là người giỏi. Người nhập cư không chỉ là những người lao động kiếm sống mà còn là những nhân vật xuất sắc của địa phương khác về Hà Nội và làm đẹp, cống hiến công sức, trí tuệ cho Thủ đô. Nhiều tấm gương uyên bác trong lịch sử như Lê Quý Đôn, Nguyễn Du… đều là những người giỏi. Người giỏi thì chỉ đem lại những cái tốt, cái đẹp đẽ và tinh túy đến thôi chứ họ không đem cái xấu đến. Thứ nữa, nếu xem xét về “gốc” Thủ đô kỳ thực rất khó. Bởi nếu tìm kiếm ở Hà Nội, gốc tích lâu nhất có lẽ chỉ trong phạm vi 3, 4 đời, trước đó họ cũng là người nơi khác đến. Thứ nữa, Thăng Long là nơi quy tụ 36 phố hàng, tất cả đều là những luồng văn hóa nơi khác ùa vào. Hà Nội là mảnh đất kỳ diệu khi biết rộng mở, bao dung và chắt lọc những gì tinh túy nhất để phát triển.
Phóng viên: Đánh giá về văn hóa nói chung không hề dễ, với việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, theo ông chúng ta phải hiểu như thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Với văn hóa, ở đây chúng ta phải tìm đúng nguyên nhân mới có thể khắc phục được những hạn chế. Theo tôi, có thể là do chúng ta quá mong muốn người thời điểm hiện tại phải giống như người sống cách đây vài trăm năm, thậm chí là nghìn năm trước. Điều này là không thể. Con người luôn luôn vận động, và sự phát triển là tất yếu. Con người sản sinh ra văn hóa, vì thế văn hóa cũng vận động. Ở chiều ngược lại, văn hóa lại điều chỉnh con người, giúp định hướng con người để từ đó có sự vận động, thay đổi phù hợp.
Ở góc độ thanh lịch trong văn hóa Hà Nội, nếu chúng ta yêu cầu cái “chất” thanh lịch phải như ngày xưa, với các chuẩn mực như đi nhẹ, nói khẽ, nhuộm răng đen… thì điều này là không thể. Nó quá rập khuôn. Thẩm mỹ quan và nền văn hóa hiện tại là khác xưa, nếu quá rập khuôn sẽ khiến người ta khó tiếp nhận. Ở đây tôi muốn nói, văn hóa luôn vận động, con người luôn vận động và các tiêu chí đánh giá về văn hóa cũng luôn thay đổi. Do vậy chúng ta phải có sự nhìn nhận toàn diện vấn đề hơn.
Phóng viên: Theo ông, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và mặt trái của nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng thế nào tới văn hóa, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay?
TS Nguyễn Viết Chức: Hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế thị trường có tác động và tiến bộ rất lớn tới văn hóa, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhưng đồng thời có những mặt suy thoái. Sự suy thoái này trước hết là đạo đức. Từ suy thoái đạo đức dẫn đến suy thoái về nhận thức và lối sống. Đây là tác động khách quan của môi trường “không sạch” làm những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ đảng viên, người Thủ đô bị lu mờ. Những phẩm chất xấu tiềm ẩn trong mỗi người có điều kiện trỗi dậy.
Phải thẳng thắn, việc một số cán bộ đảng viên chưa thực sự gương mẫu cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển Thủ đô. Khiến tấm gương đi đầu, phát triển của Thủ đô bị mờ. Chính vì thế, hơn lúc nào hết cán bộ đảng viên phải đi đầu, phải gương mẫu, đặc biệt là người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu làm tốt thì những người phía dưới, những bộ phận liên quan sẽ thực hiện tốt và ngược lại. Đảng viên thiếu gương mẫu, mất dân chủ, mà dân chủ là một biểu hiện của văn hóa thì các việc phía sau sẽ khó có thể thực hiện tốt được.
Phóng viên: Vậy Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, sự ra đời của 2 Quy tắc ứng xử đã góp sức như thế nào trong công cuộc gìn giữ và phát triển văn hóa Hà Nội?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi đánh giá rất cao khi Hà Nội thông qua và triển khai được các Bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là Hà Nội có Chương trình số 06-CTr/TU. Điều này góp sức rất lớn trong việc duy trì và phát triển văn hóa. Ban đầu khi đưa vào thực tế, nhiều người cứ tưởng nó không có tác dụng. Song thực tế tác động của nó mang lại, hiệu quả mang lại lại rất lớn. Tôi lấy ví dụ từ Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố. So sánh thời điểm hiện tại với trước khi nó được áp dụng chúng ta về các phường thì sẽ thấy. Đó là lối ứng xử của cán bộ công chức, viên chức với công dân của các phường đã có sự tiến bộ rất nhiều so với trước đây.
Phải thẳng thắn là số cán bộ công chức, viên chức dở, kém không nhiều nhưng nó như vết nhọ, vết bẩn người ta nhìn thấy ngay. Và Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố đã kịp thời nắn chỉnh những yếu kém đó.
Về lâu dài, bản thân mỗi người, mỗi cán bộ công chức, viên chức phải có sự tu dưỡng, rèn luyện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các bài phát biểu của mình đều nhắc đi nhắc lại rất nhiều về việc nêu gương trong mỗi cán bộ đảng viên. Nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa có thể thấy, tinh thần trọng dân, vì dân, đạo đức cách mạng của người cán bộ được đề cập đến rất sâu sắc, đó là gương mẫu đi đầu, là trọng dân, thương yêu dân, gần gũi dân.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn góc nhìn của mình về Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Và theo ông, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ đâu?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi thấy Chương trình số 06-CTr/TU chủ yếu xoay quanh mấy nội dung. Trong đó có phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chương trình đi vào vấn đề này rất sát và thực tế bởi không ở đâu hơn Hà Nội. Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, là trái tim của cả nước. Chương trình Thành ủy đề ra đúng và trúng vấn đề, vậy bây giờ phải phát triển ra sao? Đầu tiên ta phải hiểu phát triển văn hóa để làm gì. Phát triển văn hóa để phát triển con người. Phát triển con người để phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Chương trình vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn rất là cao. Bởi suy cho cùng văn hóa là con người, phát triển văn hóa là phát triển con người, phát triển con người là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ nền tảng này góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Con người phát triển gồm những yếu tố: Đức – Trí – Thể – Mỹ. Đạo đức con người phải đặt lên hàng đầu. Tiên học lễ chính là học làm người, học đạo đức. Nói như Bác Hồ, phải học làm người trước.
Nói thêm về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo tôi, nguồn nhân lực mới hiện tại phải có các yếu tố như: Năng lực, trí lực, thể lực, biết hợp tác cùng phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nhân lực có tri thức, đáp ứng yêu cầu của đời sống lao động công nghiệp hiện đại. Phải có sức khỏe và năng lực hợp tác.
Không phải Thành phố nào cũng có nền tảng ngàn năm văn hiến, là Thủ đô vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Và văn hóa không đứng yên mà luôn có sự dịch chuyển. Không có văn hóa tù đọng. Văn hóa tù đọng là văn hóa chết. Văn hóa không có sự giao lưu, hợp tác là văn hóa chết. Trong thời đại toàn cầu hóa này, chính nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển khu vực mới giúp thúc đẩy văn hóa phát triển.
Nhìn từ Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, theo tôi, chương trình đã bao quát kỹ rồi. Hiện tại toàn Đảng bộ Hà Nội và đặc biệt là các đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Cán bộ đảng viên phải tiên phong, tiên phong đi đầu trong mọi việc. Tất cả từ lao động, làm việc, ứng xử… đều phải gương mẫu. Với người dân Thủ đô cũng vậy, bản thân mỗi người phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Mình là công dân Thủ đô, mình tự hào song đồng thời phải thấy được trách nhiệm. Khi thấy được trách nhiệm thì mỗi người sẽ ý thức được mình cần làm gì, hành động ra sao để cho bản thân, cho Thủ đô ngày một phát triển.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!