Những nút thắt cần tháo gỡ

Việc tìm ra một mô hình tổ chức chính quyền phù hợp cho đô thị đặc biệt như Thủ đô được tiến hành rất cẩn trọng. Mô hình nào phù hợp là câu hỏi sẽ được trả lời sau quá trình thực hiện thí điểm.

Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, bên cạnh những ưu điểm về giải quyết thủ tục chứng thực nhanh gọn, chế độ thủ trưởng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường điều hành linh hoạt hơn… một số vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ cũng được xác định. Ví dụ như về số lượng biên chế của các phường.

“Phường được giao biên chế 15 công chức, quả thật là lực lượng rất mỏng so với trước đây và yêu cầu thực tiễn”, bà Ngô Thị Minh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn, quận Ba Đình cho biết.

Theo bà Hằng, từ khi thí điểm, UBND phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách, kinh phí eo hẹp, nên việc ký hợp đồng lao động cũng khó khăn. 15 cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc, ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng, còn được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ chính sách không có gì thay đổi, nên chưa thật sự động viên được cán bộ, công chức nỗ lực hơn trong công tác.

Hay với các tổ trưởng dân phố, phường Đội Cấn đã sáp nhập từ 22 tổ còn 12 tổ, các tổ trưởng, tổ phó phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, nhưng chế độ phụ cấp cũng không thay đổi. “Với phường loại 1 như Đội Cấn (hiện có 17.000 dân), nếu được bố trí 20 cán bộ, công chức thì mới đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ”, bà Hằng mong muốn.

Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ

Tại quận Tây Hồ, trước đây, mỗi phường bình quân có 21-23 cán bộ, công chức, còn hiện giờ theo định biên là 15 người. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận cho biết, so với khối lượng công việc được giao, công chức phường khá vất vả.

“Nghị định cho phép Chủ tịch UBND quận được điều chuyển công chức giữa các phường, nhưng thực hiện không dễ, vì số lượng biên chế mỗi phường chỉ 15 người. Những phường đông dân, nhiều việc rất cần tăng thêm người, nhưng giảm bớt đi từ các phường khác là rất khó.

Như quận Tây Hồ, tất cả các phường đều thuộc phường loại 1, chưa thể giảm được phường nào, trong khi các phường như phường Bưởi, Phú Thượng, Xuân La có khoảng 29.000 – 30.000 dân/phường, rất cần được tăng thêm biên chế. Quận đã kiến nghị cho phép có nguồn cải cách tiền lương để ký hợp đồng lao động phù hợp, nhưng chưa được trả lời”, ông Khuyến nói.

Đáng quan tâm, trên địa bàn Hà Nội hiện có đến 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người/phường), một số phường có quy mô dân số rất lớn như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là 82.891 người, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) là 54.295 người, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) là 54.770 người. Với khối lượng công việc lớn, nhưng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường vẫn là 15 người, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh cho hay, thực tế số dân cư tạm trú, thường trú, vãng lai… của phường Hoàng Liệt phải lên đến 10 vạn người, nên UBND phường chỉ có 15 cán bộ, công chức là “quá mỏng”. Còn Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề xuất, bên cạnh với việc giao số lượng biên chế theo vị trí việc làm, cần phải tính toán đến các yếu tố thực tiễn của từng địa phương như dân số, tốc độ đô thị hóa, khối lượng công việc… để phân bổ, giao chỉ tiêu biên chế phù hợp.

Thực tế cho thấy, tinh gọn bộ máy và biên chế là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, không phải tinh gọn theo kiểu “cơ học” và cào bằng, mà cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước hiệu quả.

Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ

Với đặc thù vừa có phường, vừa có xã (9 phường, 6 xã), các xã có tổ chức HĐND, các phường theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị, bà Đỗ Thị Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây cho hay, thị xã gặp khó khăn trong việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức giữa xã và phường (vì phải phải thực hiện quy trình tiếp nhận công chức cấp xã thành công chức cấp quận cần nhiều thời gian), giữa công chức giữa khối đảng, đoàn thể và chính quyền (do công chức khối đảng, đoàn thể chưa được chuyển sang công chức do thị xã quản lý). Dẫn đến, khó đáp ứng được ngay đối với các đơn vị đang thiếu cần bổ sung kịp thời…

Thực hiện thí điểm, công chức UBND phường đã được chuyển thành công chức do UBND quận quản lý, nhưng các chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội cựu chiến bình, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường vẫn đang là cán bộ cấp xã. Điều này, theo ông Nguyễn Đình Khuyến, vừa thiếu đồng bộ, thống nhất trong quản lý, vừa khiến cán bộ khối Đảng, đoàn thể các phường khá tâm tư. Bất cập nữa là Chủ tịch UBND phường có phụ cấp chức vụ hiện hưởng là 0,25, tương đương với Phó trưởng phòng cấp quận, trong khi Chủ tịch UBND phường là thủ trưởng một đơn vị hành chính tương đương trưởng phòng cấp quận…

Thực hiện thí điểm, Thành phố đã giao 2.625 biên chế công chức phường tại 175 phường thuộc các quận và thị xã (bình quân 15 công chức/phường). Trên cơ sở biên chế được Thành phố giao, các đơn vị đã bố trí, quản lý, sử dụng, và phân bổ cho UBND phường trực thuộc đảm bảo quy định và phù hợp yêu cầu tình hình thực tế của đơn vị.

Theo báo cáo của UBND Thành phố, tính đến tháng 4/2022, số lượng công chức phường là 2.370 người, trong đó có 174 Chủ tịch phường, 339 Phó chủ tịch phường, 169 công chức Chỉ huy trưởng Quân sự, 424 công chức Văn phòng – Thống kê, 258 công chức Tài chính – Kế toán, 342 công chức Tư pháp – Hộ tịch, 295 công chức Văn hóa – Xã hội, 369 công chức Địa chính – Xây dựng.

Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, trực thuộc UBND quận. Dẫn đến, khi phát sinh các nhiệm vụ đột xuất không có trong dự toán thì phải tổng hợp báo cáo UBND quận để xin ý kiến, báo cáo HĐND quận quyết định tại kỳ họp gần nhất. Do đó, thiếu đi tính chủ động, kịp thời.

Vì vậy, bà Lê Khánh Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng kiến nghị, cần tiếp tục phân cấp về ngân sách đối với chính quyền đô thị, thực hiện phân cấp nhiều hơn đối với nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND phường theo cơ chế thủ trưởng; căn cứ vào quy mô của đô thị để trao quyền quản lý các vấn đề đặc trưng của của đô thị như quản lý đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát phát triển đô thị…

Nói về vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Đình Khuyến cho rằng, vướng nhất là về vấn đề con người, con người gắn với chế độ chính sách, số lượng biên chế… nếu gỡ được những vấn đề này, thì cũng gỡ được các nội dung khác.

Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo một số giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong điều kiện đổi mới mô hình chính quyền đô thị và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Bàn về mô hình đổi mới chính quyền của Hà Nội, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nên giao cho Thủ đô quyền tự chủ trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, về biên chế và quỹ lương, đặc biệt là quyền thành lập hay không thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù của Thành phố.

Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ

Ông Sỹ cũng cho rằng, cần tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố, đảm bảo mỗi quận, huyện, thị xã sẽ có ít nhất một đại biểu chuyên trách. Đồng thời, thống nhất một chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội thuộc Thủ đô (không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên) là rất cần thiết và hoàn toàn đúng với quy định của Hiến pháp.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn, qua 1 năm thực hiện thí điểm, tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân.

Từ nhận diện rõ những bất cập phát sinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng ở Trung ương hướng dẫn việc sử dụng, quản lý và chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc Đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở phường, đảm bảo phù hợp tổ chức và hoạt động của UBND phường.

Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định phụ cấp đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường theo hướng nâng mức phụ cấp chức vụ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường bằng mức phụ cấp với Trưởng phòng, Phó trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; tăng mức phụ cấp công vụ đối với công chức phường; tăng mức phụ cấp đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở phường và tổ dân phố. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về việc liên thông, điều động giữa công chức phường và công chức quận; sớm có quy định cụ thể đối với các chức danh cán bộ ở phường, đảm bảo đồng bộ với đội ngũ công chức phường; cho phép chuyển đổi vị trí việc làm giữa các chức danh công chức phường để đảm bảo linh hoạt tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, ông Đoàn cho biết, Thành phố cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết công tác thu chi tài chính đối với khối Đảng, đoàn thể tại phường; quy định về xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ, hoạt động mang tính chất đặc thù, đột xuất của UBND phường; hướng dẫn việc sử dụng, quản lý và chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc Đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở phường, đảm bảo phù hợp tổ chức và hoạt động của UBND phường…

Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Để trực tiếp ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đoàn khảo sát, đang tiến hành làm việc với Ban Thường vụ các Quận ủy và Thị ủy Sơn Tây về sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 1/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ sở chính trị, là chủ trương, định hướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đang phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, nhằm tạo lập hành lang pháp lý phù hợp cho quản lý, xây dựng, phát triển Thủ đô.

 

Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Thực hiện thí điểm để tìm ra mô hình quản lý phù hợp đang được thành phố Hà Nội nỗ lực triển khai, nhằm tìm ra một mô hình tổ chức chính quyền tinh gọn, phù hợp với đô thị đặc biệt như Hà Nội, đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả và phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, Hà Nội đã nhận diện rõ những vướng mắc, bất cập, cần sớm được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết để việc thí điểm được thuận lợi. Hướng đến người dân để cải cách, cải cách để phục vụ Nhân dân tốt hơn cũng là mục tiêu được đặt ra khi Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ
Kỳ 3: Những nút thắt cần gỡ

Nội dung: HẢI LÝ – Đồ họa: ĐỨC HÀ

Kỳ cuối: Những nút thắt cần gỡ (laodongthudo.vn)