Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

 Mở rộng địa giới hành chính là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn của Thủ đô. Ngoài tầm vóc và sự bề thế của dư địa phát triển, sau ngày mở rộng, Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Trong những chiều suy tư ngang dọc về Hà Nội, đứng trên cây cầu Long Biên lịch sử, nhìn vào dòng xe cộ tấp nấp hướng vào nội đô tôi bỗng chốc như cơn gió ngẩn ngơ. Tôi thấy Hà Nội thật đẹp. Nét đẹp ấy không chỉ nằm ở các công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại hay những công trình giao thông đồ sộ giúp Thủ đô “cất cánh”, với tôi nét đẹp ấy lại nằm ở những nụ cười hạnh phúc của người nông dân ngày mùa màng bội thu, sự chuyển biến trong nếp ăn ở của những người nơi vùng khó.
15 năm ấy biết bao nhiêu tình
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc. (Ảnh CTV)

1. Làng tôi nằm mãi tận nơi đồng trũng Ứng Hòa. Tôi là người Hà Tây hay nói theo “địa danh” của những người được chứng kiến sự sáp nhập giữa Hà Tây và Hà Nội, thì tôi thuộc “Hà Nội 2”. Hà Tây nằm ở phía Tây của Hà Nội và theo cách giải thích của các cụ trong làng thì Hà Tây nghĩa là phía Tây của sông Hồng. Sông Hồng là sông mẹ. Sông ôm trọn cả vùng kinh kỳ.

Là người nơi ngoại thành, lại đặc gốc con nhà nông, nên từ bé tôi đã được nghe những câu hát, lời ca về Hà Tây quê lụa. Tôi lớn lên bằng tiếng ru của làn điệu dân ca Bắc bộ. Tuổi thơ tôi là những chiều thong dong cùng đám bạn chăn bò, thả diều trên triền đê sông Đáy, là những đêm trăng sáng vằng vặc theo mẹ ra đồng cấy lúa.

Tôi nhớ, ông nội tôi từng kể, ngày trẻ ông cũng từng có quãng thời gian bươn chải ở Hà Nội. Ông nội tôi làm nghề đóng cối, bởi thế mạn kẻ Vẽ (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), Kẻ Cót (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) ông cũng chẳng lạ. Thời của ông, Hà Nội ít xe cộ, hay nói đúng hơn là gần như chẳng có ô tô, xe máy đi lại nườm nượp như bây giờ. Đường xá đi lại có nơi, có đoạn vẫn là đường đất. Nơi chung cư, cao tầng bây giờ ở thời điểm đó vẫn là những cánh đồng cỏ, bãi sậy nối dài. Thế nhưng, nhịp sống vội vã, những món ăn ngon lành nơi phố thị lại là mĩ vị để bao kẻ nơi chốn quê mơ ước.

Tôi dần lớn lên, nhà vẫn làm ruộng, thậm chí làm nhiều. Cái sự nhọc nhằn, cơ cực của con nhà nông khiến tôi luôn ấp ủ niềm khao khát, niềm hy vọng rằng khi lớn lên, sẽ thi đỗ vào đại học để được “khăn gói” ra Hà Nội, để vượt khỏi lũy tre làng giống ông nội. Tôi thấy bạn tôi, có đứa học giỏi và được thưởng. Phần thưởng là được ra Hà Nội và vào thăm Lăng Bác. Những lúc ấy, tôi thấy chúng bạn sao mà hạnh phúc đến thế. Hà Nội là hy vọng, là tất cả những gì đáng để phấn đấu của tôi và những đứa trẻ lam lũ nơi quê nghèo.

Còn nhớ, quãng năm 2008, toàn bộ địa giới và dân số tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Những công dân trước ở “cửa ngõ Thủ đô” thì nay đã là người Hà Nội. Khỏi phải nói, hân hoan là cảm giác của tôi, bố tôi và gần như của tất thảy những người Hà Tây. Tôi nhớ như in, đận ấy cờ hoa giăng khắp ngõ phố. Bố tôi bảo, tương lai Hà Nội sẽ đổi thay nhiều lắm. Quả vậy, sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành tựu thu về rất nhiều. Kinh tế, xã hội phát triển toàn diện. Hạ tầng được mở mang. Chẳng nói đâu xa, những con đường đất đầy sình lầy, nhão nhoét khi trời mưa thuở tôi còn cắp sách thì nay đã được trải nhựa phẳng au. Quê tôi, dù là ngoại thành xa nhưng nhà nào cũng xây cao vun vút, nhà được đánh số, ngõ được đặt tên, buổi tối đường đều được tỏa sắc rực rỡ của ánh đèn màu.

Tôi may mắn làm báo, bởi vậy được đi và tiếp xúc với không ít người. Cho đến giờ, một số người vẫn có cái nhìn hoài nghi về việc Hà Nội mở rộng. Tất nhiên đây là điều khó tránh khỏi. Bởi dù là việc lớn hay nhỏ đều có những góc nhìn trái chiều. Tất cả đều vậy. Riêng tôi, bản thân lại thấy sự sáp nhập mang lại nhiều điều tích cực. Hãy thử nghĩ, nếu Hà Tây không về Hà Nội, liệu Đại lộ Thăng Long, đường 32 có được mở mang? Các khu vực của Hà Nội được sự thông thuận như hiện tại không? Cái hay của vị thế Thủ đô có lẽ đơn giản chỉ là như vậy.

Phần nữa, khi lang thang ở những miền xa, nơi có cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Ba Vì, Thạch Thất, tôi thấy đời sống họ cũng được quan tâm, hỗ trợ trên nhiều mặt, cả về kinh tế, xã hội cũng như đời sống việc làm. Đó là những lợi ích nhãn tiền nhất của các vùng xa khi về Hà Nội.

2.Lại nói, về giao thông Thủ đô. Sau quãng thời gian hơn một thập kỷ sáp nhập, giao thông là thành tựu, là bước tiến dài dễ thấy nhất của sự đổi thay. Tôi tìm hiểu qua nhiều tư liệu thì biết rằng, khi mới sáp nhập, khu vực mở rộng tuy là vùng giáp ranh, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đã có tính gắn kết mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ về quy mô cũng như hạ tầng kỹ thuật.

Hà Nội thời điểm mới sáp nhập vẫn còn thiếu nhiều cầu vượt sông. Hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng chưa phát triển, toàn hệ thống thời điểm năm 2008 mới chỉ có 60 tuyến buýt của Hà Nội và 8 tuyến buýt của Hà Tây. Khó khăn chồng khó khăn. Thế nhưng, nay mọi thứ gần như đã đổi khác. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Sáng 25/6, tôi cũng là một trong những người may mắn được chứng kiến Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô khởi công. Phải khẳng định, đây là bước tiến dài, là dấu mốc đánh dấu ngày Thủ đô vươn khỏi “manh áo chật” để phát triển và kết nối. Thử tưởng tượng, chỉ ngoài 5 năm nữa thôi, những cung đường hiện đại, những làn xe cao tốc sẽ góp phần vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi khắp nơi. Hàng hóa thông thuận, việc buôn bán được trải khắp nơi, người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Bên lề Lễ khởi công tại điểm cầu xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, trò chuyện với người dân, tôi nhận thấy họ đều hiểu rõ về những lợi ích khi tuyến đường Vành đai 4 được triển khai. Do đó, mặc dù vẫn còn một số trăn trở nhưng đa số họ đều đồng thuận với chủ trương thu hồi đất để thực hiện Dự án. Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Phượng Mỹ bảo với tôi, Vành đai 4 là tuyến đường huyết mạch, là niềm mong đợi bấy lâu của người dân ngoại thành như bà. Bởi vậy, bà cũng như những người trong làng, ngoài xóm đều hết lòng ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ mong Thành phố quan tâm và có cơ chế đền bù, hỗ trợ phù hợp, có lợi nhất cho người dân để yên tâm, ổn định cuộc sống.

15 năm ấy biết bao nhiêu tình
Đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, xanh, sạch.

Không chỉ có Dự án Vành đai 4, Hà Nội hiện đang dồn lực đầu tư mạnh mẽ cho giao thông. Tại các cuộc khởi công xây dựng công trình giao thông thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn. Chẳng hạn, tại dự án đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 được thành phố Hà Nội chính thức khởi công, đây là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân – cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam khu vực trung tâm Thành phố. Theo thiết kế, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố với tổng mức đầu tư là 3.241,5 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành trong năm 2025.

Chặng đường xây dựng hạ tầng giao thông cho Thủ đô thời gian tới còn nhiều khó khăn, thử thách, những gì đã làm được mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, nhưng bức tranh Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại sẽ được xây dựng bằng lòng tin “Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay” từ chính những thành tựu đã đạt được sau hơn một thập kỷ mở rộng địa giới hành chính.

3.Hà Nội đang từng ngày đổi khác. Về những vùng ven của Thủ đô, tất thảy mọi người đều dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt và đổi thay theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành đã xoá nhoà dần ranh giới của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Thủ đô.

Cách đây không lâu, tôi đã đi trên tuyến đê Tiên Tân, đoạn qua xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) dù chỉ dài khoảng một cây số nhưng đây lại là cung đường đẹp với ngan ngát những hoa cúc, cánh bướm. Hoa đang độ đẹp, trải vàng khắp triền đê. Không chỉ ở xã Đan Phượng, những vùng quê đẹp đẽ, ngan ngát sắc hương đã và đang từng ngày nhân rộng ở nhiều thôn, xã trên địa bàn Hà Nội. Tại xã Đông Quang (huyện Ba Vì), những con đường ngõ, xóm khi xưa nhỏ bé, ô tô không thể đi lọt, thì nay đã ra vào dễ dàng.

Nhắc đến sự đổi thay, sẽ thực thiếu nếu không kể đến những vùng từ Hòa Bình về Hà Nội. Cười vui qua điện thoại, ông Nguyễn Trung Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) bảo với tôi: “Thay đổi nhiều lắm nhà báo ạ, từ đời sống người dân đến văn hóa xã hội đều được nâng lên một bậc”. Quả thực vậy, có tìm hiểu mới biết, tách ra từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), năm 2008, xã Yên Trung nhập vào huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khi ấy, giao thông các ngõ xóm của Yên Trung chủ yếu là đường đất. Thế nhưng, những khó khăn thuở nào giờ đã bị đẩy lùi. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yên Trung chia sẻ, điều dễ thấy nhất là hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm đã được mở mang, bê tông hóa tới 95%. Không chỉ vậy, xã Yên Trung cũng đạt danh hiệu nông thôn mới từ năm 2016.

Bên cạnh niềm vui từ hạ tầng giao thông được đồng bộ, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, đây cũng là đòn bẩy giúp kinh tế địa phương được thông thuận, điều kiện kinh tế của người dân có chuyển biến. Cụ thể, theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung, nếu như thời điểm năm 2008, thu nhập bình quân/người ở Yên Trung chỉ đạt dưới 30 triệu đồng/người/ năm thì nay đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, năm 2023 này, Yên Trung phấn đấu không còn hộ nghèo. Ngoài ra, phát huy lợi thế địa hình đồi, núi thoáng, rộng, nhiều hộ dân ở Yên Trung đã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Xã có khoảng 1.000 người có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Quang Tiến (tỉnh Hòa Bình), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất); khoảng 50 lao động nữ làm công nhân vệ sinh môi trường ở nội thành, được ô tô của các công ty đón và trả về trong ngày.

4.Hà Nội có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa, mỗi con đường, dòng sông dường như đều mang dấu ấn của cả một truyền thống lâu đời. Đây cũng là nơi hội tụ của rất nhiều trí thức, văn nghệ sỹ và những gì gọi là tinh hoa nhất của cả nước. Tôi từng lang thang ở những vùng xa xôi nhất của Hà Nội, được chứng kiến không ít nét lạ, những phong tục của những dân tộc anh em. Còn nhớ, hôm lên xã Ba Vì (huyện Ba Vì), tôi may mắn được chứng kiến tục Tết Nhảy của người dân tộc Dao ở huyện Ba Vì.

15 năm ấy biết bao nhiêu tình
Từ ngày mở rộng địa giới hành chính, Thành phố đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), nhờ đó hệ thống điện – đường – trường – trạm phát triển chưa từng có. Điều này giúp bộ mặt nông thôn ngày càng thay da, đổi thịt (Ảnh: Đinh Luyện)

Tết Nhảy của những người dân nơi đây ngoài việc gìn giữ phong tục của cha ông để lại thì nay họ đã biết kế thừa và phát huy nét văn hóa phù hợp với thời cuộc. Chẳng khó để thấy, nếu như Tết Nhảy ở thời điểm trước năm 2008 đều được kéo dài trong nhiều ngày với đủ các lễ lạt cũng như cỗ bàn tương đối phức tạp. Thì nay, mọi sự đã đổi khác. Nhờ sự tuyên truyền tích cực, thời gian gần đây Tết Nhảy đã được rút gọn về thời gian. Trước đây, các nghi lễ có thể kéo dài ba ngày, năm ngày, thậm chí một tuần nhưng nay mọi thứ cố gắng thu vén tối đa trong một ngày. Dù gói gọn nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.

Hay như phong tục cưới xin của người Dao hiện nay đã gọn nhẹ hơn rất nhiều so với trước. Việc tổ chức cưới hỏi cũng đơn giản hơn, chỉ còn các bước: Nhà trai sang xin phép bên nhà gái cho hai con tìm hiểu đi lại với nhau, chọn ngày đẹp sang nhà gái làm lễ ăn hỏi để làm lễ đặt trầu, cuối cùng là xin cưới và làm lễ lại mặt. Cùng với đó, các thủ tục cưới hỏi ngày nay cũng đã được đơn giản hóa đi rất nhiều, song các nghi lễ vẫn được diễn ra long trọng, theo đúng phong tục tập quán của đồng bào.

Hà Nội đang từng ngày đổi khác. Về những vùng ven của Thủ đô, không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất thảy mọi người đều dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt và đổi thay theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành đã xoá nhoà dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Thủ đô. 15 năm là một quãng ngắn trong lịch sử nghìn năm của Thủ đô yêu dấu. Có lẽ, chỉ ít năm nữa thôi, khi tình cờ nhìn lại, không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai cũng đều sẽ thấy Hà Nội lại tiếp tục đổi khác. Hà Nội đổi thay đẹp đẽ, quy mô và hiện đại hơn. Tôi trộm nghĩ, được sống và làm việc ở Thủ đô là một điều may mắn. Chẳng thế mà chỉ xa Hà Nội đôi ngày cũng khiến tôi nhớ da diết. Hà Nội trong tôi thực đẹp. Đẹp đơn giản vì yêu.

Đinh Luyện

https://laodongthudo.vn/15-nam-ay-biet-bao-nhieu-tinh-158726.html