4 boutique Hà Nội và câu chuyện giữ gìn truyền thống văn hóa Việt

Mỗi lần ghé thăm Hà Nội, câu hỏi “điều gì ở thành phố này khiến người ta mến thương?” lại khiến tôi tìm ra cho mình câu trả lời mới. Lần này, nét quyến rũ của đất Hà Thành đối với tôi là những boutique xinh xắn, yêu kiều.

Vòng quanh thủ đô một buổi sáng mùa Xuân, dòng xe chậm rãi trôi qua lại vẫn là phong cách riêng của thành phố ngàn năm tuổi. Người ta thường có câu “Hà Nội không vội được đâu” có lẽ không sai! Những ai vốn vội vã trong tâm mà ở cái thành phố này, vẫn có thể đùa vui được bằng câu nói ấy.

Hà Nội của hai thập niên đầu thế kỉ 21 là bức tranh tổng hòa của những ngôi nhà chọc trời mọc lên, là những thương hiệu nước ngoài về góp mặt trong thị trường hội nhập chốn thủ đô. Nhưng đó cũng là bao phố cổ vẫn hiên ngang giữa vùng trời chật hẹp, hay nét yêu kiều của những boutique xinh xắn nối nhau trên các con phố xưa.

Ở thành phố gần 8 triệu dân, nơi mà quy hoạch đô thị hãy còn lộn xộn với nhiều kiến trúc hiện đại – truyền thống đan xen nhau, những boutique hiện lên như nét chấm phá sáng tạo của thành phố.

Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas, chủ boutique Chula Fashion trên con phố 43 Nhật Chiêu từng chia sẻ: “Hà Nội sở hữu nguồn năng lượng đặc biệt mà nhiều nhà thiết kế thành công đã biết cách sử dụng nó theo ngôn ngữ sáng tạo riêng của họ”.

Ở đây, chúng tôi gặp gỡ thêm bốn nhà thiết kế người Việt. Họ đang sở hữu thương hiệu riêng với những boutique xinh xắn trên các góc phố Hà Nội. Từng boutique phảng phất nét duyên dáng của thành phố này nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

aN Store: Nét chấm phá thị thành

Nguyễn Mai Phương – Nhà sáng lập aN Store.

Nằm trên con phố Lý Đạo Thành, aN Store thừa hưởng nét đẹp của công trình kiến trúc độc đáo Nhà hát lớn Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Từ bên ngoài, boutique hiện lên những ô cửa sổ đã sờn màu, từng dây leo che kín phần tường bên trên biển hiệu “aN Store” trong nền sơn đỏ thẫm. Ngôi nhà gợi chút hoài cổ, dễ níu kéo bước chân những ai lỡ ngắm nhìn.

Nguyễn Mai Phương, chủ nhân của aN Store từng bắt đầu công việc bán những chiếc túi xách tay da bespoke khi còn làm trong các dự án thiết kế nội thất. Như duyên trời sắp đặt, người phụ nữ 42 tuổi ấy quyết định mở cửa hàng boutique này vào năm 2014.

Phương nhận thấy sự chuyển dịch nhu cầu của người thị thành đã tăng lên. Cái thời ăn no mặc ấm đã qua từ lâu, người ta tìm đến những thức ăn độc đáo và kèm theo đó, chi tiêu hàng hóa khác cũng tỷ lệ thuận. Kể từ ngày lập aN Store, nhiều bước chân nán lại, ghé vào, và không ngại chi tiền cho những sản phẩm thủ công mà họ cảm thấy gắn kết.

Một góc nhỏ của boutique.

aN Store được truyền cảm hứng từ những chuyến đi bất tận của Phương, ở đó, người phụ nữ ấy vô cùng biết cách nâng niu, trân trọng những món đồ thủ công. Và ấy cũng là triết lý kinh doanh của aN Store, ưa chuộng các bảng màu đơn sắc, mộc mạc trong các sản phẩm thủ công của mình.

Thủ đô vẫn luôn nổi tiếng là vùng đất nghệ thuật, “cầm kỳ thi họa” vô cùng sôi nổi ở xứ này. Đó là lý do để những boutique như aN Store có chỗ đứng, dù không lớn lao, sôi nổi, nhưng là nguồn cảm hứng cuối ngày của những người tất bật, vội vã.

Hiên Van Ceramics: Gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình

Chân dung Bùi Hoài Nam Sơn, sáng lập Hiên Vân Ceramics.

Nép mình ở phố Chân Cầm, phường Hàng Trống, boutique gốm Hiên Vân Ceramics không khó để nhìn thấy. Hoài niệm về một nghề truyền thống ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung khấp khởi trong lòng chúng tôi.

Chúng tôi gặp Sơn, người con trai hiện vẫn tiếp tục truyền thống gia đình. Vào năm 2013, chàng trai trẻ mới bắt đầu học nghề gốm dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo của cha, ông Bùi Hoài Mai. Anh thực hành một loạt các kỹ thuật truyền thống khác nhau, đặc biệt, năm 28 tuổi, Sơn học men tro trấu.

Các nghệ nhân gốm đã sử dụng kỹ thuật này vào thế kỉ 11, nhưng không mấy được ưa chuộng vì tính khó đoán của quá trình. Dù vậy, Sơn vẫn miệt mài sử dụng kĩ thuật men tro trấu như một cách để khiến các tác phẩm của anh thêm tinh tế.

Boutique nằm trong một tòa biệt thự cổ Pháp.
Sản phẩm theo kỹ thuật men tro trấu.

Boutique Hiên Vân Ceramics được thành lập vào năm 2015 nhưng không phục cổ những chiếc bát, chiếc đĩa của các cụ ngày xưa, không cố làm sao cho giống một món đồ cổ hàng trăm năm trước, mà cố tâm khắc phục được cái dở để làm ra những sản phẩm chất lượng, hữu ích và thẩm mỹ.

Ngày nay, người ta đến Hiên Vân Ceramics ngoài sự tò mò, khám phá còn là niềm say mê với những sản phẩm thủ công, đặc biệt là trong điều kiện thị trường đang dốc sức sản xuất hàng loạt như hiện nay.

Zó Project: Tình yêu sâu nặng với nghệ thuật thư pháp trên giấy dó

Vẻ xinh xắn của Zó khi nhìn từ bên ngoài.

Chỉ cách một vài tòa nhà từ Hiên Vân Ceramics về hướng Tây, chúng tôi đã có mặt tại Zó Project, gặp gỡ những người nghệ nhân đang nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam theo hướng bền vững.

Trong gian phòng ấm cúng nhìn ra đường ray xe lửa nổi tiếng của thủ đô, chúng tôi ngắm quanh gian phòng ngăn nắp của Zó. Những bức thiệp xinh xinh, là bộ lịch, quạt giấy, tranh… tất cả gói gọn trong chất liệu giấy dó.

Tôi không rõ những người khác cảm nhận ra sao, nhưng tôi cảm nhận được hương dó của xưa và nay hòa quyện làm một, trong không gian chứa đựng sự miệt mài, tần tảo và say sưa của những con người tử tế thời hiện đại.

Tại đây, nghề truyền thống giấy dó được bảo tồn qua kỹ thuật sáng tạo.

Chị Trần Hồng Nhung thành lập Zó sau chuyến thăm làng làm giấy dó tràn đầy cảm hứng năm 2009. Người phụ nữ 37 tuổi chia sẻ: “Ngắm nhìn những nghệ nhân say sưa với tạo tác của mình, tôi thốt lên trong lòng “thật đáng kinh ngạc”. Nhưng vì vị trí của giấy dó trong thị trường đang dần bị quên lãng, tôi nghĩ sự kiện này đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời mình: hồi phục làng nghề giấy dó”.

“Ngắm nhìn những nghệ nhân say sưa với tạo tác của mình, tôi thốt lên trong lòng “thật đáng kinh ngạc”.

 

Quạt giấy trang trí ở Zó.

Theo chị Nhung, các làng nghề làm giấy tại Bắc Ninh đã cung cấp sản phẩm cho miền Bắc suốt hơn 200 năm qua. Điều này vẫn còn đúng trong ngày hôm nay, nhưng các gia đình thủ công hiện đã được đưa vào các nhà máy quy mô công nghiệp.

Không chấp nhận sự thể ấy, chị quyết tâm thành lập Zó, không chỉ để hồi sinh nghề truyền thống mà còn mở các tour du lịch đến làng nghệ nhân làm giấy dó, như một cách để giáo dục truyền thông và bảo tồn một làng nghề di sản.

Indiehand: Nhân rộng vẻ đẹp 54 dân tộc anh em

Chân dung NTK Vi Thị Thu Trang.

Tọa lạc tại số 8 Nguyễn Chế Nghĩa, Hoàn Kiếm, boutique Indiehand là nơi chuyên sản xuất vải thổ cẩm thủ công Việt Nam ứng dụng cho các thiết kế trang phục và phụ kiện đương đại.

Được thành lập bởi Vi Thị Thu Trang vào năm 2015, Indiehand mong muốn lan tỏa sự đa dạng sắc tộc Việt Nam. Thương hiệu tái sử dụng họa tiết hoa văn thổ cẩm, mong muốn bảo tồn và phát huy các kỹ thuật sản xuất vải thủ công truyền thống, tăng giá trị lao động của thợ thủ công.

Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại sở hữu một ngôn ngữ trang phục riêng biệt. Chẳng hạn, người H’mông là nhóm dân tộc thiểu số lớn ở Việt Nam, họ sản xuất các loại vải màu đỏ đậm và xanh dương. Trong khi đó, người Thái chiếm ưu thế ở tỉnh Sơn La nổi tiếng với kỹ năng dệt điêu luyện. Thu Trang được truyền cảm hứng rất nhiều từ kỹ năng của họ, từ đó tạo ra những tấm vải thổ cẩm tuyệt đẹp.

Các loại túi tại Indiehand.
Các họa tiết truyền thống được nhấn mạnh.

Là nhà sáng lập của một nhãn hiệu thời trang đậm văn hóa, Thu Trang khai thác nhiều kỹ thuật quần áo truyền thống để chế tạo các phụ kiện thu hút khách hàng như khăn quàng cổ, túi xách, túi đựng máy tính xách tay, túi đựng điện thoại… Tất cả đều được sản xuất thủ công, vô cùng tỉ mỉ.

Nhưng, thiết kế chưa phải là giá trị đích thực duy nhất của Indiehand. Mà đó là văn hóa của những người dân tộc đang trở thành một phần quan trọng trong tương lai mỗi chúng ta!

Trang PS

(Theo Joshua Zukas – Silverkris)
Ảnh: Nic Shonfeld