7 mục tiêu, định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được thành phố Hà Nội triển khai được đánh giá là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Hà Nội đang phân tích, đánh giá cụ thể về 7 mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là các định hướng chính.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tháng 4/2023, Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã họp góp ý hoàn chỉnh, đề nghị hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
7 mục tiêu, định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Trục không gian Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh. (Ảnh: Hữu Duyên)

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 12 vừa diễn ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai) và 5 trục phát triển.

Cụ thể, 5 trục phát triển gồm: (1) Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; (2). Trục không gian Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; (3). Trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; (4). Trục không gian Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh; (5). Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Giải trình thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, định hướng điều chỉnh cấu trúc quy hoạch chung cơ bản có sự kế thừa; bao gồm 1 đô thị trung tâm lấy sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm quan trọng, không gian văn hóa, không gian xanh; Phía Nam vẫn giữ là Đô thị lịch sử bảo tồn – tôn tạo – cải tạo – tái thiết, liên kết mở rộng phát triển đô thị mới tới Vành đai 4 và sông Đáy; Phía Bắc là đô thị Long Biên – Gia Lâm và có điều chỉnh dự kiến phát triển thành phố phía Bắc (kết hợp cơ bản giữa huyện Đông Anh, Mê Linh và đô thị vệ tinh Sóc Sơn); các đô thị vệ tinh còn lại gồm Thành phố phía Tây (điều chỉnh khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc kết hợp với vệ tinh Xuân Mai), đô thị vệ tinh Sơn Tây, đô thị vệ tinh Phú Xuyên; các thị trấn sinh thái, liên kết với đô thị trung tâm qua các trục giao thông hướng tâm.

Đối với mô hình Thành phố thuộc thủ đô sẽ được nghiên cứu trong định hướng của quy hoạch. Việc hình thành đơn vị hành chính Thành phố, ranh giới hành chính ở tầm nhìn dài hạn sẽ được nghiên cứu tiếp trong Chương trình phát triển đô thị và chỉ khi thực hiện xong việc đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch và đủ các tiêu chí theo quy định.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch của cả nước; với vai trò, vị thế quan trọng như vậy nên mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi; cảnh quan đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của Hà Nội và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trước mắt và lâu dài.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021.

Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được lập, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan và trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 (tháng 11/2022). Ngày 12/4/2023, Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng đã họp, cho ý kiến đối với Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kết quả có 21/21 Phiếu đồng ý thông qua, đề nghị hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Trong đó, nội dung quan trọng là đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).

7 mục tiêu, định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của Thủ đô. (Ảnh: Hữu Duyên)

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù Nhiệm vụ Đồ án đang trình Thủ tướng Chính phủ; song để đảm bảo tiến độ triển khai lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang phân tích, đánh giá cụ thể về 7 mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là các định hướng chính.

Thứ nhất, nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm) theo như đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng; thứ 2, nghiên cứu định hướng Dự báo dân số; thứ 3 là định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các Thành phố phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; thứ 4 là nghiên cứu định hướng các trục không gian của Thành phố; thứ 5 là định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; thứ 6 là nghiên cứu định hướng Sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam thành phố Hà Nội; thứ 7 là định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Đây là 7 định hướng để Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu: Toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã) với quy mô 3.359,84 km2.

Hoàng Phúc