Tôi từng có may mắn được đi và đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Mỗi nơi, mỗi vùng miền lại đọng trong tôi những nét rất riêng khác trong tính cách. Chẳng hạn, người Huế lịch thiệp và kín kẽ, người Sài Gòn lại mang những nét hào sảng, phóng khoáng, còn riêng với người Hà Nội lại gieo vào lòng cảm giác thanh lịch. Sự thanh lịch của người Hà Nội có lẽ xuất phát từ việc sống và hấp thu giá trị văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long. Tuy nhiên, trong dòng chảy của nền kinh tế hội nhập và chuyển đổi, bên cạnh những mặt được, sự đẹp đẽ ăn sâu trong cốt tủy thì nhiều giá trị văn hóa của Hà Nội đang bị đảo lộn. Thứ xấu xí và dễ nhận thấy nhất đó là lối ứng xử thiếu chuẩn mực của một bộ phận người đang sống ở Hà Nội.
Khi đặt bút và tìm kiếm mạch suy nghĩ về tính cách, con người Hà Nội tôi có ghé thăm nhà văn Nguyễn Văn Học. Anh là một trong những nhà văn trẻ, tiêu biểu của sự lăn xả với hàng chục tác phẩm văn chương như bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết được ra đời đều đặn. Đặc biệt, Nguyễn Văn Học cũng là người dành một tình yêu lớn cho Hà Nội, với những tác phẩm kiếm tìm nét đẹp của người Tràng An như “Hà Nội thênh thang ký ức”, “Đôi mắt xứ Đoài”, “Hoa thở”… tất thảy những sáng tác đó đều dạt dào cảm xúc về Hà Nội với những góc phố, đường hoa, cánh chim, nếp nhà cổ, cánh đồng, con đê, cánh diều và cả nỗi niềm của những gương mặt thiếu nữ xinh xắn hòa trong nếp ăn ở của người Hà Nội…
Với Nguyễn Văn Học, Hà Nội là góc rất đỗi thiêng liêng, anh có thể dành cả ngày để nói về Hà Nội mà vẫn chưa đủ. Anh bảo, Hà Nội luôn là đề tài thời thượng. Hà Nội là góc rất thiêng quý, có tác dụng khơi nguồn cảm xúc cho không chỉ nhà văn, nhà thơ mà cả giới văn học, nghệ thuật nói chung. Tất nhiên, viết hay về Hà Nội là rất khó nhưng chung quy lại, theo Nguyễn Văn Học nhiệm vụ của người Hà Nội, người yêu Hà Nội chính là làm sao tôn bồi giá trị, gìn giữ nét đẹp, bản sắc của mảnh đất văn hiến, đóng góp tiếng nói xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Điều nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ, nếu đôi chút lắng mình, chắt chiu tìm kiếm trong mạch văn học nghệ thuật của Thủ đô có thể thấy không ít áng văn chương thể hiện rõ nét điều ấy. Nhiều tên tuổi nhà văn, nhà thơ đã tồn tại mãi trong lòng người Hà Nội khi có những tác phẩm đẹp đẽ, khẳng định được vai trò xây dựng, bồi đắp, gìn giữ văn hóa. Đó là những Vũ Bằng, Thạch Lam, Băng Sơn… họ yêu Hà Nội và thể hiện tình yêu ấy trong các tác phẩm đầy chất dung dị, gần gũi.
BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI ĐINH TIẾN DŨNG
Hà Nội của chúng ta – “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” – trong sâu thẳm từ thuở Thăng Long, đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Đó là những giá trị trường tồn, là nguồn lực nội sinh to lớn mà trên hành trình xây dựng và phát triển, Hà Nội phải bằng mọi cách khơi dậy để chinh phục những tầm cao mới.
…Khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
(Trích bài viết Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng)
Chẳng hạn, với tác phẩm ca ngợi văn hóa, nết ăn nết ở, thú chơi tao nhã của người Hà Nội hẳn phải nói đến Vũ Bằng. Từ năm 1952, Vũ Bằng đã thể hiện tình yêu Hà Nội qua “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai”. Rồi tiếp đến có nhà văn Thạch Lam với bút lực viết về Hà Nội là “Hà Nội 36 phố phường”. Tất cả đều là sự khắc họa Hà Nội chân thực, gần gũi với những nét đẹp rất đời. Đọc xuyên suốt “Hà Nội 36 phố phường”, lang thang cảm xúc qua đủ các ngõ phố, món ăn nổi tiếng như: bún ốc, bún chả, bún thang, cốm… thứ đọng lại chính là một niềm da diết yêu Hà Nội đúng như lời văn “xa Hà Nội một dạo, người trở lại đế đô có thể ăn các thứ cao lương mỹ vị của Tàu, Tây; nhưng rút lại thì người Hà Nội rồi cũng quay về với những món ăn cổ truyền đặc biệt Hà Nội, nó làm cho chúng ta thèm nhớ…”
Cũng dành một tình yêu lớn cho Hà Nội, viết về Thủ đô và thuộc từng con ngõ của Hà Nội không thể không nhắc đến nhà văn Băng Sơn. Cái tài của Băng Sơn, theo các nhà phê bình văn học, là ông viết kỹ, tinh tế về Hà Nội. Khi ông viết về món ăn Hà Nội với tập tùy bút “Thú ăn chơi người Hà Nội”, một lần nữa ông khiến các món ăn ở Hà thành dậy mùi thơm.
Nhắc đến cố nhà văn Băng Sơn, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ, ngày sống thi thoảng đến thăm, ông tâm sự: Với một nhà văn, khi giới thiệu một món ăn nào đó thì không phải đi miêu tả cách chế biến, mà làm sao cho họ cảm nhận được cái đẹp văn hóa chất chứa trong từng món ăn. Nếu ăn chỉ nhằm cho no bụng là anh phàm phu tục tử. Ăn cũng phải đẹp, mới là văn hóa.
Qua văn hóa ẩm thực, cố nhà văn Băng Sơn đã thể hiện được những nét độc đáo về văn hóa. Tính cách người Tràng An cũng vì vậy mà được khơi mở ở nhiều khía cạnh, giúp cho không chỉ người dân trong nước mà khách quốc tế đến với Hà Nội, đều có thể tìm thấy sự văn minh, thanh lịch rất đỗi đời thường.
Nhắc đến cố nhà văn Băng Sơn, nhà báo Nguyễn Nguyệt Thu – Trưởng Ban biên tập, Tạp chí Nghiên cứu dân tộc cũng có không ít kỷ niệm dung dị về tâm hồn Hà Nội. Nhà báo Nguyệt Thu nói với tôi, những dịp sang chơi, nghe những mẩu chuyện thi vị về Hà Nội từ cố nhà văn Băng Sơn, chẳng khi nào chị thấy trong nhà có những ứng xử cọc cằn, quát tháo hay lối gấp gáp, thiếu chuẩn mực từ những người sống trong gia đình nhà văn. Người với người ứng xử với nhau nền nã, tình cảm, con cái với cha mẹ thì gọi, thưa chỉn chu; vợ với chồng trọng nhau như khách, dù bao năm vẫn gọi “anh”, xưng “em”.
Qua những câu chuyện, tôi hồ đoán rằng, chính sự thanh lịch rất Hà Nội ấy đã tác động đến quan niệm nghệ thuật của Băng Sơn. Đó là nhà văn phải làm cho cuộc đời đẹp hơn, giúp Thành phố vì hòa bình được đông đảo du khách quốc tế biết đến, thương hiệu Hà Nội được hội nhập.
Cùng với tốc độ phát triển của một Thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất…
Bên cạnh sự phát triển, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập dường như cũng có những tác động không nhỏ. Minh chứng dễ thấy là không ít sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức trong cuộc sống hằng ngày. Tôi từng có dịp dạo qua các góc phố Hà Nội, nơi có những quán bia lớn đường Thái Hà, Nguyên Hồng… tại những góc phố này, dù có lạc quan đến mấy bản thân tôi vẫn không khỏi ngao ngán bởi những ngôn từ phát ra. Nơi quán bia, trong sự hỗn tạp của đủ giọng nói, đủ câu chuyện mới thấy hết sự khủng khiếp của ngôn từ.
Người xưa từng ví “miếng trầu là đầu câu chuyện” để khởi nguồn cho sự ăn nói vừa lòng, mát tai thì nơi quán bia lại những tràng văng tục. Đủ mọi thành phần, lao động chân tay có, làm doanh nghiệp có, viên chức, công chức nhà nước có, tri thức có và với tất cả mọi câu chuyện trên trời, dưới đất và lối ứng xử cũng kém duyên, kém thanh lịch.
Đó là trong đời sống thực tế, ở trên môi trường Internet, văng tục cũng lan rộng mạnh mẽ. Chẳng khó khi tìm kiếm những hiện tượng mạng xã hội như: Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… thông qua mạng xã hội như Facebook, YouTube có những clip, video đan xen không ít câu nói tục, chửi bậy. Đáng nói, những ngôn từ tục tĩu được phát ra hết sức bản năng, và bản thân người nói cũng không hề ý thức được sức lan truyền từ những câu nói vô ý đó.
Phải chăng Hà Nội biến đổi và những giá trị văn hóa đã mờ phai? Chia sẻ về câu chuyện này, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có rất nhiều những biến đổi. Có những điều thay đổi theo chiều hướng tích cực, có sự thay đổi không tích cực. Chẳng hạn, ngày hôm nay nhiều bạn trẻ không còn chú ý đến lời ăn tiếng nói và quên đi nhiều câu nói như: “Xin lỗi”, “xin cảm ơn”, “xin mời”, “xin chào”… Họ quan niệm rằng thời đại công nghệ thông tin thì chỉ cần lượng thông tin đầy đủ chứ không cần hình thức chuyển tải thông tin nữa. Đây là điều cần chỉnh sửa trong văn hóa giao tiếp. “Việc nói tục, chửi thề là biểu hiện của văn hóa giao tiếp. Đây là biểu hiện bên ngoài, nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn, chỉnh sửa từ từ sẽ ngấm vào trong và gây tổn hại đến đạo đức và nhân cách”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của đất nước, do vậy văn hóa ngôn ngữ Hà Nội còn mang đặc trưng rất riêng khác. Tôi từng có duyên được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lâm ở làng Bát Tràng (Gia Lâm). Bà Lâm là một nghệ nhân ẩm thực và cũng là một mẫu người phụ nữ rất Hà Nội với lối sống chuẩn mực, thanh tao. Sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố Hàng Than, lớn lên bà về làm dâu ở làng Bát Tràng. Từ bé bà đã được mẹ và các dì dạy dỗ bao điều từ cách ứng xử, ăn nói đến việc nấu các món ăn ẩm thực mang hương vị của vùng đất nghìn năm văn hiến.
Đảng bộ Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội) làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô. Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.
ĐỒNG CHÍ BÙI HUYỀN MAI
Những nét văn hóa thanh lịch của người con gái đất Tràng An ngấm dần trong tiềm thức của bà. Cho tới ngày nay, những quy chuẩn ấy vẫn không bị phai nhạt trong từng lời ăn, tiếng nói. Bà Lâm bảo, đó là những lề thói, tập tục, lối sống mang chất Hà Nội, là sự thể hiện giản đơn và rất đỗi quen thuộc như hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Lịch sự và khiên nhường. Người Hà Nội xưa và cho đến cả bây giờ vẫn nhường nhịn nhau từng lời ăn tiếng nói. Họ sống với nhau chân tình, cởi mở, biết “nể”, tránh những việc “mất lòng”. Cùng xóm, cùng phố thấy mặt là đon đả chào nhau trước, hỏi thăm, hỏi đón.
Hà Nội đẹp và có bề dày văn hiến. Trong một môi trường lành mạnh và đậm chất nhân văn như vậy không lý do gì để mỗi con người tự biến mình thành kẻ thô lỗ, tục tằn. Hà Nội đẹp từ sự bặt thiệp của mỗi con người. Những hành vi phản văn hóa, rất đáng phải suy nghĩ. Nên chăng, lúc này ta nên “gạn đục, khơi trong”, nên có những hoạt động thiết thực, thậm chí là biện pháp tích cực để mỗi cá nhân tự điều chỉnh lời nói, hành vi của mình quay về quỹ đạo vốn có trong văn hóa ngôn ngữ của người Hà Nội.