Sau nhiều năm trì hoãn, chính sách áp dụng thu phí tự động hoàn toàn trên tất cả cao tốc từ 1/8 có ý nghĩa xã hội to lớn, đồng bộ hạ tầng giao thông quốc gia, mang lại giá trị thiết thực, tiện ích đến người dân, tăng cường công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực giao thông.
Sau gần 2 tháng thi công, 4 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Cầu Giẽ – Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài 490km chính thức đưa vào khai thác hệ thống thu phí không dừng ETC.
Riêng 4 tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nội Bài – Lào Cai có tổng lưu lượng trên 100.000 lượt/ngày, chiếm tỷ trọng đến 50% lưu lượng trên các tuyến cao tốc của cả nước. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai hiện giữ kỷ lục về chiều dài tuyến 245km và có nhiều trạm thu phí nhất cả nước, lưu lượng bình quân trên tuyến đạt 35.000 – 40.0000 lượt phương tiện/ngày đêm.
Lượng xe di chuyển qua BOT nhanh hơn nhờ thu phí không dừng |
Sau hơn 10 ngày thực hiện thu phí không dừng, dựa trên rà soát các lỗi kỹ thuật và lỗi tham gia giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản “chỉ đạo nóng” để khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các bất cập của hệ thống thu phí không dừng, nhất là trên các tuyến cao tốc và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Bên cạnh đó, có phương án xử lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ động rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí không dừng, nhất là lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện; tăng cường nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm thường trực đường dây nóng để xử lý các sự cố phát sinh, kịp thời hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tính riêng 4 tuyến cao tốc là Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, sau hơn 10 ngày cho thấy, về cơ bản hệ thống hoạt động ổn định. Giao thông trên các tuyến cao tốc đảm bảo an toàn, thông suốt.
Tình trạng ùn ứ ở đầu ra, đầu vào tại một số thời điểm cơ bản được giải quyết. Tỷ lệ lưu lượng xe ETC trên cả 4 tuyến cao tốc đạt trên 99,5%. Riêng tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi đạt 100%. Sau 10 ngày triển khai, trên 4 tuyến cao tốc đã có hơn 32 nghìn xe dán thẻ tại trạm.
Còn nhiều lỗi qua trạm
Tuy nhiên, VEC cho hay, trong giai đoạn đầu chỉ có thu phí không dừng vẫn còn tình trạng phương tiện không dán thẻ ETC đi vào cao tốc, có dán thẻ nhưng chưa nạp tiền vào tài khoản thu phí, hoặc số dư tài khoản thu phí không đủ để thanh toán đầu ra, gây ùn tắc tại các trạm thu phí do phải kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện đủ điều kiện qua làn thu phí tự động.
Đơn cử, trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, số lượng đã dán thẻ nhưng chưa kích hoạt tài khoản giao thông gần 3.000 xe, tài khoản không đủ tiền hơn 10.000 xe và hơn 13.000 xe phải xử lý sự cố.
Trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai lỗi tài khoản không đủ tiền hơn 21.000 xe đã dán thẻ nhưng chưa kích hoạt tài khoản giao thông gần 5.000 xe, số lượng xe phải xử lý sự cố hơn 12.000 xe.
Việc cài đặt và nạp tiền vào ví ETC khá đơn giản |
Sử dụng thẻ thu phí không dừng từ ngày 28/6, chị Quỳnh Nga, chủ phương tiện xe ô tô tại Hà Nội, cho biết, việc tải ứng dụng cũng như nạp tiền vào tài khoản ETC khá dễ dàng.
Tại trạm thu phí, đơn vị cung cấp dịch vụ có nhân viên nhiệt tình hướng dẫn để chủ phương tiện có thể cài đặt và sử dụng trong khoảng 5-10 phút trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa nắm bắt được quy trình và chưa kích hoạt được ứng dụng nên vẫn gặp khó khăn khi đi qua trạm thu phí.
“Tôi thấy thu phí không dừng rất tiện ích cho chủ phương tiện. Trước đây tôi thường đi tuyến Nội Bài – Lào Cai, mỗi lần qua trạm phải dừng để nhận thẻ, hết đường cao tốc phải dừng để trả thẻ và thanh toán tiền. Sau khi cài đặt ứng dụng, tôi không phải dừng xe, tốc độ di chuyển cũng nhanh hơn và thoải mái hơn.
Việc nạp tiền vào tài khoản trả phí đường bộ cũng rất đơn giản, chỉ việc đăng nhập ứng dụng và nhấn nút nạp tiền. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng có các chỉ dẫn về tuyến đường, các trạm mà mình đi qua, tra cứu phạt nguội, mua bảo hiểm online… ”, chị Quỳnh Nga cho biết thêm.
Anh Phan Văn Tiến, một chủ phương tiện ở Hà Nội, cũng cho biết, anh thường về quê trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để về quê ở Quảng Ninh. Anh sử dụng ứng dụng thu phí không dừng từ ngày 1/8 và cảm thấy hài lòng với phương thức này.
“Tiện nhất là tôi không cần phải chuẩn bị một khoản tiền mặt để trả phí khi đi qua các trạm, chỉ cần nạp vào “ví” của ETC để trừ dần. Tôi thường nạp từ 1 – 2 triệu đồng để có thể đi cả năm”, anh Tiến chia sẻ.
Theo khảo sát, khi đi qua trạm thu phí không dừng, tài xế có thể mắc một số lỗi khiến bị phạt, đó là một số phương tiện chưa sử dụng ứng dụng thu phí không dừng nên đã cố tình đi vào làn xe máy để “né” trạm. Một số phương tiện đi vào làn thu phí tự động nhưng chưa dán thẻ ETC hoặc tài khoản không đủ tiền; dừng đỗ quá 5 phút tại trạm thu phí hoặc không chú ý đảm bảo khoảng cách giữa các xe.
Ví dụ ngày 12, 13, 14/8 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình nhiều chủ phương tiện đã phải dừng lại do chưa dán thẻ ETC nhưng vẫn đi vào làn thu phí tự động. Một số phương tiện khác không chú ý đến số tiền đã hết trong ứng dụng nhưng vẫn đi qua làn ETC, dẫn tới việc không đi qua được thanh chắn, gây ùn ứ, lực lượng chức năng phải vất vả xử lý…
Ngoài ra, nhiều phương tiện không để ý biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” tại các trạm BOT. Khoảng cách này thường là từ 3 – 8m, tùy từng trạm thu phí. Nếu chủ phương tiện không thực hiện đúng quy định tại biển báo thì sẽ bị phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng.
Khắc phục lỗi dán chồng thẻ thu phí
Gần đây nhất, nhiều chủ phương tiện do chưa tìm hiểu kỹ đã dán 2 thẻ thu phí không dừng trên cùng 1 xe. Hiện tại có 2 công ty chính cung cấp thẻ thu phí không dừng là VETC và VDTC (ePass), chủ phương tiện có thể chọn dịch vụ của một trong 2 công ty này.
Tuy nhiên, lưu ý là mỗi xe chỉ được dán 1 loại thẻ, Etag hoặc ePass. Với những trường hợp dán cả 2 loại thẻ của 2 nhà cung cấp thì sẽ xảy ra tình trạng lỗi khi di chuyển qua trạm. Bởi máy quét sẽ không thể nhận diện chính xác phương tiện và tài khoản.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ gồm VDTC và VETC khắc phục lỗi dán 2 thẻ thu phí không dừng trên cùng 1 xe trước ngày 20/8 và có chế tài xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, quy định hợp đồng.
Sau khi đã dán thẻ, chủ phương tiện cần tải ứng dụng về điện thoại thông minh. Ứng dụng sẽ cung cấp các thông tin cơ bản như thông tin về xe, số tiền trong tài khoản, ngày giờ di chuyển qua từng trạm, mức phí của từng trạm và các thông tin có liên quan khác.
VDTC (ePass) có tính năng liên kết với ví điện tử Viettel Pay, chủ phương tiện có thể không cần lo lắng về việc tài khoản thu phí tự động còn tiền hay không. Đối với VETC hiện vẫn chưa hỗ trợ liên kết ví điện tử nên có thể nạp tiền thông qua hình thức chuyển khoản hoặc thông qua các cổng thanh toán trực tuyến.
VETC ra thông báo về việc thu phí dán thẻ thu phí tự động không dừng |
Mới đây, VETC ra thông báo về việc thu phí dán thẻ thu phí tự động không dừng. Theo đó, từ ngày 6/8 trở đi, khách hàng phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại).
Việc thu phí sẽ được trừ qua tài khoản giao thông của khách hàng. Mức giá 120.000 đồng/lần đang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn mạng. Trong khi đó các nhà cung cấp dịch vụ lại cho rằng mức giá này là hợp lý.
Trên trang web chính thức của VETC, quy định này Căn cứ theo Khoản 3, Điều 9, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ: “Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Từ ngày 31/12/2021 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí”.
Dù thu phí không dừng ETC mang lại hàng loạt lợi ích cho người tham gia giao thông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội nhưng do triển khai gấp rút nên vẫn còn những bất cập, hạn chế trong hoạt động thu phí.
Vài ngày gần đây, số xe dùng ETC tăng lên, mặc dù chưa như kỳ vọng của nhiều người, nhưng có thể nói đây là một bước ngoặt ngoạn mục vượt qua những “chướng ngại vật” lớn nhất trong tiến trình số hóa giao thông.
Bảo Thoa
Thu phí không dừng: Về đích sau nhiều lần lỡ hẹn (laodongthudo.vn)