Báo cáo về kết quả hoạt động của các Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo thực hiện đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô sau 3 năm (2019-2021), ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Thực hiện Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm của tổ chức Công đoàn đã thực hiện việc đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô (gọi tắt là Quỹ trợ vốn).
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị. |
Theo đó, đến nay toàn hệ thống Công đoàn có 12 Quỹ trợ vốn. Cụ thể: 1 Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi thành Tổ chức tài chính vi mô, hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ Quỹ (từ tháng 10/2017), với tên gọi là Tổ chức tài chính vi mô CEP (gọi tắt là CEP).
Ngoài ra, còn có 11 Quỹ trợ vốn của các LĐLĐ tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Thọ, Lâm Đồng đã đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg.
Theo ông Phan Văn Anh, sau khi đăng ký hoạt động theo Chương trình dự án tài chính vi mô, các Quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu hoạt động “không vì mục tiêu lợi nhuận”; cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành hoạt động quỹ cơ bản được củng cố, kiện toàn, các quy định nội bộ được rà soát, hoàn thiện theo quy định pháp luật, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của đoàn viên, người lao động.
Qua báo cáo, các Quỹ trợ vốn hoạt động theo Chương trình dự án tài chính vi mô triển khai cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Đối tượng vay vốn của các Quỹ chủ yếu là công nhân, viên chức và người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân hàng năm, toàn hệ thống đã giải quyết cho khoảng 33.000 đoàn viên, người lao động được vay vốn từ Quỹ.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh báo cáo về kết quả hoạt động của các Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo thực hiện đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô. |
Nguồn vốn chủ sở hữu được các Quỹ trợ vốn hạch toán theo đúng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong 3 năm, từ 2019 – 2021, vốn chủ sở hữu tăng 25%, từ 1.450 tỷ đồng lên gần 1.825 tỷ đồng, trong đó, CEP tăng gần 312 tỷ đồng, các Quỹ trợ vốn còn lại tăng 26 tỷ đồng.
Từ thực tế hoạt động tại địa phương, ông Nguyễn Phi Thường – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội hiện có Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô với tổng số vốn là 67 tỷ đồng. Hiện nay, Quỹ hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của công nhân, viên chức lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập; quá trình hoạt động không có nợ xấu.
Nhấn mạnh lợi ích thiết thực của Quỹ trợ vốn với công nhân, viên chức, lao động nghèo không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn trong đoàn viên, người lao động rất lớn, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng đây được coi là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.
Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, đa phần là hoạt động của Quỹ trợ vốn hiện nay dựa trên hoạt động tín chấp cho đoàn viên, người lao động, trong đó, đơn vị đứng ra tín chấp, xác nhận cho đoàn viên, người lao động được vay vốn đó là Công đoàn cơ sở. Điều này đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động của mình.
Giải pháp quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”
Nhấn mạnh những lợi ích thiết thực của Quỹ trợ vốn Công đoàn hướng tới đoàn viên, người lao động, qua đó góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị thời gian tới Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ, bởi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động là một trong những nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn.
Để Quỹ trợ vốn Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của đoàn viên, người lao động, ông Nguyễn Phi Thường đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hằng năm, tránh để xảy ra những sai phạm trong hoạt động; xem xét đề xuất tăng dư nợ tín dụng từ 50 tỷ đồng lên 120-150 tỷ đồng…
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ trợ vốn sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động. |
Khẳng định đối với tổ chức Công đoàn, chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động, đặc biệt người lao động còn thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn cần được ưu tiên; trong đó hoạt động của Quỹ trợ vốn Công đoàn đang thể hiện rõ vai trò, chức năng của tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vai trò của Quỹ trợ vốn, các tổ chức tài chính vi mô, qua đó góp phần chăm lo, nâng cao đời sống người lao động.
Phân tích và bày tỏ lo lắng về nạn “tín dụng đen” đang đe dọa công nhân lao động và cả cán bộ Công đoàn, gây mất an ninh, an toàn trật tự; nhất là tới đây, dự báo ở một số doanh nghiệp, một số địa phương sẽ gặp khó khăn về đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ trợ vốn sẽ là giải pháp quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
Thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị, nhấn mạnh và khẳng định tính ưu việt và vai trò của Quỹ trợ vốn do Công đoàn triển khai đối với đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng: Công đoàn cần quan tâm đến công tác quản trị, sao cho các quỹ hoạt động phát huy hiệu quả, bền vững.
Khẳng định nhu cầu tiếp cận vốn vay trong công nhân, viên chức, lao động rất lớn, nhưng rủi ro cũng khá cao, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu, thời gian tới, các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, thành phố nơi có Quỹ trợ vốn cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong hệ thống; quan tâm đến định hướng phát triển, hoạt động của các Quỹ để đảm bảo theo đúng tôn chỉ, mục đích; hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quản lý, vận hành, đảm bảo xây dựng và phát triển Quỹ bền vững, phục vụ hiệu quả cho đoàn viên, người lao động.