Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) vốn nổi tiếng với giống nhãn muộn. Nhưng đến Đại Thành, nhất là thôn Tình Lam, người ta không chỉ được thưởng thức đặc sản nhãn, mà còn được “thết đãi” những làn điệu hát chèo. Trong công việc hằng ngày, khi bếp núc, hay lúc chăm vườn nhãn, người Đại Thành cũng có thể í a câu hát. Đại Thành vốn không phải đất chèo. Mãi đến thập kỷ 50 của thế kỷ trước, chèo mới được các cụ “nhập khẩu” về. Chỉ sau một thời gian ngắn, những làn điệu chèo nhanh chóng bén duyên bởi người yêu văn nghệ nơi đây. Những năm tháng chiến tranh, những làn điệu chèo đã góp phần tiếp sức cho người dân Đại Thành và các địa phương lân cận thi đua hăng hái đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Chèo Đại Thành mai một dần khi bước vào thời mở cửa. Những người yêu làn điệu chèo đã dốc sức để hồi sinh.
Năm 2008, Câu lạc bộ (CLB) Chiếu chèo và nhạc lễ Đại Thành ra đời. Tiếp đó, đến năm 2009, thôn Tình Lam cũng thành lập một CLB chèo riêng. Phần lớn người dân Đại Thành làm nghề nông, cho nên buổi tối hay dịp cuối tuần, các thành viên thường luyện tập tại nhà văn hóa hay đình làng. Cái hay nhất ở thôn Tình Lam cũng như ở xã Đại Thành là hầu như người nào cũng ít nhiều biết những làn điệu chèo. Người lớn hát chẳng may sai nhịp, có khi lại bị một đứa trẻ lên bảy, lên tám phát hiện. Chủ nhiệm CLB Chèo Tình Lam Nguyễn Phúc Hậu cho biết: “Riêng ở Tình Lam hiện có đến ba thế hệ hát chèo, trong đó, có cả lớp học sinh tiểu học và trung học. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các trường học trên địa bàn đều tổ chức chương trình sân khấu học đường, cho nên chúng tôi có nguồn diễn viên kế cận”. Các vở chèo của Đại Thành, ngoài các vở kinh điển, tích xưa, những “nghệ sĩ nông dân” còn đổi mới kịch bản, đưa những nội dung gần gũi cuộc sống như xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường… vào trong những câu hát chèo.
Chiếu chèo Đại Thành chỉ là một trong nhiều thí dụ về sức sống nghệ thuật truyền thống ở vùng ngoại thành. Nghệ thuật truyền thống đang là món ăn tinh thần bổ ích với người dân. Địa bàn huyện Đông Anh là một điển hình. Hiện riêng về tuồng, huyện có sáu CLB, chưa kể đến các CLB chèo, cải lương, quan họ ở các xã: Cổ Loa, Xuân Nộn, Vĩnh Ngọc, Nam Hồng, Hải Bối, Kim Chung. Xã Xuân Nộn có hai thôn là Đường Yên và Lương Quy thì mỗi thôn có một đội tuồng, chưa kể CLB Dân ca, tuồng của xã và một CLB Tuồng Đồng ấu (dành riêng cho các em thiếu nhi). Mỗi CLB trung bình thu hút khoảng 30, 40 thành viên. Cái khó của tuồng là điệu múa, lời hát, nhạc đệm, trang phục, hóa trang đều phải theo lối ước lệ, đòi hỏi sự rèn luyện kỹ càng. Dẫu vậy, do tình yêu được truyền qua các thế hệ, cho nên mỗi khi đội tuồng Xuân Nộn lên sân khấu, khán giả cảm nhận những màn diễn nhuần nhuyễn không kém các các diễn viên chuyên nghiệp là bao. Ở Xuân Nộn có khoảng 10 làn điệu tuồng, trong đó có những điệu khó đã được diễn viên tuồng ở đây thể hiện tốt như nam ai, nam bình, nói lối, khách thường, phú lục, xướng, ngâm.
Múa rồng là một nghệ thuật truyền thống thường xuất hiện trong lễ hội, hay những ngày vui, từng có một thời gian vắng bóng, nhưng đang hồi sinh mạnh mẽ. Đến nay, thành phố đã năm lần tổ chức liên hoan múa rồng. Ở Liên hoan Múa rồng Hà Nội tháng 10 vừa qua, những đội múa rồng đến từ các huyện: Chương Mỹ, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Đông Anh… đều đem đến những tiết mục đặc sắc. Không ai ngạc nhiên khi đội múa rồng huyện Thanh Trì đoạt giải nhì, với màn trình diễn xuất sắc, từ kịch bản, cho đến từng động tác biểu diễn. Đây không phải lần đầu tiên đội Thanh Trì được vinh danh ở những liên hoan, chương trình nghệ thuật. Có nền tảng hết sức vững vàng, huyện Thanh Trì có đến 16 đội múa rồng của các xã: Yên Mỹ, Tân Triều, Thanh Liệt, Vĩnh Quỳnh, Tứ Hiệp… Từ năm 2017, huyện Thanh Trì đã tổ chức Liên hoan Múa dân gian thường niên. Anh Nguyễn Đức Vũ – thành viên đội múa rồng xã Tứ Hiệp chia sẻ: “ Đội múa rồng của chúng tôi thường xuyên tập luyện tại cơ sở để các thành viên có thể phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Chúng tôi đều đam mê và mong muốn gìn giữ được điệu múa cổ của quê hương”. Các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Gia Lâm… đều là những địa phương có phong trào múa rồng phát triển, nhiều lần tham gia các liên hoan, hội diễn lớn. Riêng huyện Mê Linh còn duy trì một đội múa rồng nữ.
Hà Nội hiện là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa nông thôn được quan tâm hơn. Đó là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật truyền thống được lưu giữ và phát triển. Tuy nhiên, thực tế, sự phát triển còn chưa đồng đều. Một số địa phương có nguy cơ mai một như: Tuồng Dương Cốc (huyện Quốc Oai), chèo Ngọc Nhị (huyện Ba Vì)… hay ngay cả những nơi có “đặc sản” nghệ thuật truyền thống như: Ca trù Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên), rối nước Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), hát dô Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai)… cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, ở những địa phương có sự quan tâm, đầu tư bài bản của cấp ủy, chính quyền, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát triển. Điển hình như Thanh Trì đã triển khai đề án “Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn” từ năm 2010; huyện Đông Anh triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống huyện Đông Anh giai đoạn 2018 – 2020”… Đây là kinh nghiệm cần được các địa phương khác tham khảo và nhân rộng.
Giang Nam – Bảo Khánh/ND