Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, năm 2020, anh Vũ Văn Mạnh (thôn Vĩnh Thượng) đã tìm hiểu kỹ thuật và trồng cây măng tây trên vùng đất nông nghiệp của gia đình. Đây là mô hình trồng măng tây đầu tiên tại xã, đến nay sau hơn 2 năm mô hình đã khẳng định hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng măng tây của anh Vũ Văn Mạnh đến nay đã khẳng định hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Hoa |
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây trồng mới này, anh Mạnh cho biết: “Từ lâu tôi đã có niềm đam mê với nông nghiệp nên tôi đi tham quan một số mô hình sản xuất trong và ngoài Thành phố. Tôi có người bạn làm kỹ sư nông nghiệp, bạn tôi tư vấn khu vực đất pha cát rất phù hợp với cây măng tây, năm 2020 tôi quyết định đưa cây măng tây về trồng”.
Quan sát xung quanh khuôn viên vườn, chúng tôi thấy toàn bộ diện tích gần 7.000m2 của gia đình được quy hoạch gọn gàng, khoa học. Các luống măng tây được đầu tư hệ thống tưới tự động. Ban đầu, vừa tìm hiểu, vừa thực hành, anh Mạnh trồng 7.000 cây măng tây. Vừa trồng anh vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp, tham khảo các thông tin từ sách, báo. Sau một năm, măng tây cho năng suất tốt, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Trên cơ sở đó, anh Mạnh đề xuất với chính quyền địa phương xin mở rộng diện tích sản xuất và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, của Hội Nông dân xã Sơn Công. Anh đã vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng măng tây theo hướng hữu cơ, đến nay số lượng cây măng tây gia đình đang trồng là 20.000 cây.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn, anh Mạnh cho biết măng tây là cây thích hợp trồng trên đất pha cát. Nếu thời tiết mưa nhiều, cây dễ nhiễm bệnh, cây phù hợp với nhiệt độ từ 20 – 33 độ.
“Thời gian đầu, tôi mất khá nhiều công sức để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây để hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây. Vốn là cây cần chăm sóc công phu, đặc biệt trồng theo hướng hữu cơ nên đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Đất phải được xử lý trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật thì mới hạn chế được sâu bệnh hại”, anh Mạnh chia sẻ.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cách trồng, chăm sóc cây, bước đầu mô hình trồng măng tây của anh Mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sản phẩm thu hoạch là những thân cây măng tươi đang nhô lên từ tầng đất hữu cơ. Năm đầu tiên cây cho thu hoạch trung bình 5kg/sào, từ 7.000 cây măng tây trên diện tích 7 sào, anh Mạnh thu 30 – 40kg măng tây/ngày, với giá bán từ 70 – 80 nghìn đồng/kg tại vườn.
Khi chúng tôi hỏi về thị trường tiêu thụ đối với loại cây này, anh Mạnh cho biết, hiện thị trường tiêu thụ măng tây ổn định, sản phẩm được Công ty thực phẩm thu mua từ đó phân phối tới các siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố. Hiện tại, anh Mạnh đang triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm măng tây, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm của Thành phố.
Hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Từ hiệu quả mà cây măng tây đem lại, anh Mạnh tư vấn, hướng dẫn cho một số bà con trên địa bàn xã mạnh dạn đưa măng tây vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thay đổi tập quán, thói quen canh tác của bà con nông dân trên địa bàn xã.
Năm 2021, chị Vũ Thị Nhung (thôn Vĩnh Thượng) thay đổi mô hình trồng trọt, trồng thử nghiệm 2.000m2 măng tây. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, hiểu đặc tính của cây nên diện tích trồng của gia đình phát triển tốt. Sau 6 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mầm măng to, được thị trường ưa chuộng.
Các luống măng tây được đầu tư hệ thống tưới tự động, căng dây hạn chế đổ cây. |
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng măng tây, chị Nhung bộc bạch: “Măng tây cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các loại hoa màu khác, năm đầu tiên tôi thu được 3 tấn măng. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch lứa đầu phải mất 6 – 7 tháng. Với ưu điểm trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, nếu người trồng chăm sóc tốt, có thể thu liên tục 5 năm, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 tháng. Để đảm bảo chất lượng măng, chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây măng tăng dần số lượng thân cây trên một bụi và bung tán rất rộng vì vậy cần cắm cọc, giăng dây chống đổ cho cây. Kinh nghiệm để có măng ngọt, mềm với năng suất cao, tôi thường xuyên tưới, giữ độ ẩm của đất”.
Mô hình trồng măng tây của các hộ dân được lãnh đạo xã Sơn Công đánh giá cao. Thời gian tới, để cây trồng mới này tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, các hộ dân trong xã mong muốn sẽ được các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây măng tây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công Vũ Đức Hiệp cho biết: “Từ mô hình trồng của gia đình anh Mạnh, hiện nay một vài hộ dân trong thôn đã đưa măng tây vào canh tác, tổng số diện tích trồng trên địa bàn xã hiện tại trên 2ha. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp và Hội Nông dân xã đã tư vấn, hướng dẫn người dân mạnh dạn đưa giống măng tây vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở vật chất cho mô hình măng tây khá lớn, các hộ trồng mong muốn được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, cây măng tây dễ nhiễm bệnh, quá trình chăm sóc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ không đạt năng suất, do đó với giống cây trồng mới này, người nông dân mong muốn được các cấp hỗ trợ đào tạo, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây”./.