Để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và giá trị văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn xã hội, cho mỗi bộ, ngành, cơ quan Trung ương nói chung và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nói riêng.
Trong đó, xây dựng văn hoá học đường để rèn luyện nhân cách, lối sống và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những công dân phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức với gia đình, bản thân và cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần được chung tay triển khai thực hiện một cách nghiêm túc với quyết tâm lớn. |
Xuất phát từ chủ trương nêu trên, ngày 1/6/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Đây là kết quả trực tiếp từ Hội thảo giáo dục năm 2021 về văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2021. Chỉ thị khẳng định: “Văn hoá học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội”.
Chỉ thị đã và đang được triển khai đồng thời cùng với Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2030” và một số quyết định liên quan khác. Đó là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.
Không chỉ của riêng ngành Giáo dục
Trao đổi tại hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” vừa được Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu nhận định, đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần được chung tay triển khai thực hiện một cách nghiêm túc với quyết tâm lớn.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, thành phố Hà Nội luôn xác định xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ quan trọng, nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, ngoài những giải pháp chung, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”; giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh…
Một trong những giải pháp mới của ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm học 2022-2023 là triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường nhằm nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa các địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa học đường…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa học đường, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, thời gian tới, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ngành GD&ĐT cần chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội phối hợp chặt chẽ để nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường; tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên; quan tâm, tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ các thầy cô giáo về vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường…
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề xuất một số nhiệm vụ trong việc xây dựng văn hóa học đường. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa trong gia đình; chỉ đạo, tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương, cộng đồng dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong công tác giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa cho học sinh, sinh viên; tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025…/.