Hà Nội phải là thành phố luôn đi đầu

Trong không khí những ngày thu lịch sử, phóng viên báo có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Nghị – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2022).

Phóng viên: Mọi người vẫn nói, Hà Nội là nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa của đất nước. Còn cảm nhận của ông như thế nào?

Ông Phạm Quang Nghị: Trả lời câu hỏi này thật không dễ, dù tôi đã sống và làm việc ở Thủ đô nhiều năm. Nói lại cho đủ những điều nhiều người đã nói về Hà Nội đã khó. Phát hiện điều gì mới lại càng khó hơn. Nhiều điều có thể cảm nhận được, nhưng để đúc kết, viết ra thật không dễ. Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, hàng ngàn năm trước đã được Đức vua Lý Thái Tổ chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn.

Hà Nội phải là thành phố luôn đi đầu
Ông Phạm Quang Nghị – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2.000 năm, đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1.000 năm trước, và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trải qua bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến biết bao chiến công vang dội; Hà Nội anh dũng vươn lên sau mỗi lần bị chiến tranh tàn phá… Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên.

Ai cũng biết với Hà Nội, luôn có rất nhiều cách cảm nhận hay đúc kết: Hà Nội nghìn năm văn hiến; Hà Nội – trái tim của Tổ quốc; Hà Nội văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị; Hà Nội linh thiêng và hào hoa; Hà Nội thanh lịch, văn minh… Đúc kết bằng một câu, hay phải nói ra tất cả những câu đã được mọi người đúc kết, chúng ta cảm thấy dường như vẫn là chưa đủ. Bởi Hà Nội vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử, cả xưa và nay.

Quốc gia nào cũng có Thủ đô. Nhưng Hà Nội của chúng ta là một Thủ đô thật đặc biệt. Hà Nội là “thành phố vì hòa bình” như tổ chức UNESCO vinh danh; là Thủ đô ngay trong khói lửa chiến tranh, đã từng được thế giới ngợi ca là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người,… Những cách gọi, cách nói ấy đều là những nét đặc trưng rất tiêu biểu thật đáng tự hào của Thủ đô Hà Nội.

Là công dân Thủ đô, ai cũng có quyền tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Trong chiến tranh hay trong hòa bình xây dựng, phát triển; sống trong lòng các phố phường Hà Nội hay khi phải đi xa… mọi người đều luôn nhớ, luôn yêu, luôn tự hào về Hà Nội.

Là người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng, mang trong mình niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên, nhưng được làm công dân của Thủ đô ai cũng cảm thấy càng thêm yêu thương, gắn bó, tự hào và đều cảm thấy những nghĩa vụ, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của Thủ đô. Đó là tình cảm, tình yêu đối với Thủ đô rất tự nhiên nhưng cũng vô cùng đặc biệt.

Phóng viên: Là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Theo ông, Hà Nội nên tập trung khai thác nguồn lực nào?

Ông Phạm Quang Nghị: Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống toàn dân tộc. Trong quan hệ quốc tế, Hà Nội là đại diện của đất nước Việt Nam. Trong ngôn ngữ giao tiếp, nhiều khi chỉ cần nói danh xưng Hà Nội là mọi người trên thế giới đều nghĩ đang nói tới Việt Nam. Điều đó cũng chính là thể hiện tầm ảnh hưởng của Thủ đô Hà Nội; cũng cho thấy Hà Nội có nhiều thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh so với các tỉnh thành trong cả nước.

Qua mỗi thời kỳ, Hà Nội – trái tim của cả nước, luôn hòa chung nhịp đập với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thành phố có quy mô dân số, kinh tế khá khiêm tốn, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế ngày càng được nâng cao, vai trò trung tâm lớn của đất nước được khẳng định trên tất cả mọi phương diện: Chính trị, văn hóa, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,…

Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội, thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo thì yếu tố văn hóa càng đóng vai trò quan trọng. Chính vì thế, Hà Nội có thể không phải thành phố dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là thành phố đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi tụ hội và tỏa sáng, đại diện cho văn hóa Việt Nam; và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Hà Nội phải là thành phố luôn đi đầu
Tác giả và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Phóng viên: Phải chăng vì vậy mà Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nghị: Có lẽ Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cũng là phù hợp bởi xét trên phương diện tiềm năng, tiềm lực về mọi mặt của Thủ đô cũng như nhu cầu cần được đáp ứng đối với nhân dân đều thực sự là cần thiết và quan trọng.

Hà Nội như đã nói, không chỉ là trung tâm đầu não về chính trị – hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn bậc nhất về văn hóa của đất nước. Hà Nội cần phải phấn đấu để trở thành địa phương gương mẫu, địa phương tiêu biểu, địa phương đi đầu về văn hóa. Muốn làm tốt, làm tròn được những yêu cầu, đòi hỏi ấy, thành phố Hà Nội cần phải có chủ trương, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, rõ ràng… Phải có sự đầu tư tương xứng các nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hà Nội làm những điều ấy, vừa để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân Hà Nội và còn vì cả nước.

Từ chủ trương (đã có Nghị quyết) đến tổ chức thực hiện luôn đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và của mọi người dân Thủ đô.

Phóng viên: Chắc hẳn Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, theo ông thì điểm nào cần lưu tâm nhất và Thành phố nên làm gì để phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước?

Ông Phạm Quang Nghị: Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ ra đầy đủ những thành tích, ưu điểm và khuyết, nhược điểm; đồng thời đã nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Nghị quyết đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đó là: Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều yếu kém. Cùng với đó là những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội (là nơi được mọi người ngợi ca là văn minh, thanh lịch).

Để khắc phục được những hạn chế, bất cập đó, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cần phải phấn đấu thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp lớn, cả về mặt nhận thức và hành động. Trong đó, việc đầu tiên là tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô.

Tiếp đến là vấn đề tổ chức thực hiện thành công những chủ trương, giải pháp ấy. Cùng với Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành, toàn thể hệ thống chính trị đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Công (thực hiện)

https://laodongthudo.vn/ha-noi-phai-la-thanh-pho-luon-di-dau-145403.html