Đánh thức tiềm năng di tích thành cổ 200 năm tuổi

Nằm giữa thị xã Sơn Tây, di tích Thành cổ Sơn Tây từ lâu được biết đến là một trong những công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo và còn giữ nguyên vẹn nhất Việt Nam. Tòa thành cũng nằm ở địa thế trung tâm chính trị – văn hóa – kinh tế của vùng xứ Đoài, nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của miền Bắc. Độc đáo và nhiều tiềm năng, việc “đánh thức” và phát huy hết tiềm năng di tích tòa thành cổ 200 năm tuổi sẽ là động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Di sản kiến trúc độc đáo

Đến thị xã Sơn Tây, ghé thăm di tích Thành cổ Sơn Tây có thể dễ dàng cảm nhận ở nơi đây hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài, ôm trọn lấy những bức tường đá ong rêu phong, cổ kính. Thành cổ Sơn Tây có bốn cổng chính.

Phía chính Nam gọi là cổng Tiền, chính Bắc là cổng Hậu, hai cổng bên là Tả và Hữu. Hai cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào thành. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng hậu hướng ra phố Lê Lợi. Tương tự, cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ, cổng Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo.

Đánh thức tiềm năng di tích thành cổ 200 năm tuổi
Một góc di tích Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Đinh Luyện

Theo sử sách ghi lại, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Thành có diện tích khoảng16ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài).

Thành được xây dựng nhằm mục đích quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế, tòa thành còn mang ý nghĩa trấn thủ toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy.

Thông tin tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây (1822-2022), PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định: Di tích Thành cổ Sơn Tây là một trong những di tích rất quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt.

Theo quan điểm của PGS.TS Đỗ Văn Trụ, với ý nghĩa và giá trị của di tích, Thành cổ Sơn Tây có khả năng và xứng đáng đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này còn nhiều việc phải làm và không hề đơn giản.

Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế của di tích. Ngoài ra, công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về di tích với công chúng có nhiều hạn chế, số lượng người biết đến di tích chưa nhiều, các phương tiện truyền thông, hỗ trợ, hướng dẫn tham quan… còn chưa đồng bộ.

TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cũng chỉ ra, Thành cổ Sơn Tây là một trong những di tích có giá trị trọng điểm của Thủ đô, mang tính chất đặc trưng vùng miền. Di tích này nằm ở vị trí trung tâm của thị xã, cùng với hai di tích cấp Quốc gia là đền Và, di tích Làng cổ Đường Lâm đã tạo thành “tam giác địa văn hóa” trọng điểm của thị xã Sơn Tây.

Đánh thức tiềm năng

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa – lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.

Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là ví dụ. Đây là một trong 4 phố đi bộ của thành phố Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động đã phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm… đã góp phần tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thị xã đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy tiềm năng lợi thế văn hóa, lịch sử, quyết tâm xây dựng thị xã Sơn Tây thành một trung tâm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Hà Nội.

Đánh thức tiềm năng di tích thành cổ 200 năm tuổi
Ảnh: Đinh Luyện

Thị xã Sơn Tây đã triển khai những hoạt động hết sức cụ thể như: Khai mạc năm du lịch Sơn Tây, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (hoạt động từ ngày 30/4)… Ước tính lượng khách đến tuyến phố đi bộ đạt trên 20 vạn lượt; Trung bình mỗi tối thứ 7, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 – 3 vạn lượt khách.

Ngoài ra, tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi…

Đó là những nỗ lực của thị xã Sơn Tây khi từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng di tích, hình thành phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây làm nên nét riêng của du lịch ngoại thành. Trở lại với câu chuyện bảo tồn di tích Thành cổ Sơn Tây, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trước mắt cần có sự đánh giá toàn diện và cụ thể về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, đánh giá thực trạng của di tích, những việc đã làm được; chỉ ra những mặt hạn chế, thiếu sót, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch triển khai trong thời gian tới, cả trước mắt và lâu dài.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, bên cạnh việc quan tâm, bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn xanh, sạch, đẹp cho di tích thì thị xã Sơn Tây cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn cho di tích, bố trí những cán bộ chuyên trách để làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Cùng với việc tăng cường việc chăm lo của Nhà nước thì cũng cần kết hợp với việc xã hội hóa, huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, các doanh nghiệp vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.

Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phim tư liệu, tờ gấp, phối hợp với nhà trường, Đoàn Thanh niên thi tìm hiểu về di tích… đồng thời tăng cường kết nối với các di tích có liên quan, các di tích nổi tiếng trong vùng tạo nên các hành trình tham quan hấp dẫn đối với du khách.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cũng cho rằng, việc phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây là hết sức cần thiết. Và để làm được điều này cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương. Chỉ khi hiểu biết về giá trị và bản chất của di tích thì mới phát huy tốt nhất các nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo tồn./.

Giang Nam
https://laodongthudo.vn/danh-thuc-tiem-nang-di-tich-thanh-co-200-nam-tuoi-146250.html