Nhóm công nhân duy tu, bảo dưỡng đường sắt qua địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) |
Trong chuyến đi công tác qua địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tình cờ bắt gặp những dáng người lom khom vặn từng chiếc đinh ốc, tiếng búa đập chan chát, cờ lê chiết ốc ken két, tiếng xúc đá sỏi lẻng xẻng đã “thu hút” tôi lại gần. Tới nơi tôi mới biết đây là nhóm công nhân đang duy tu đường sắt, thuộc Công ty cổ phần đường sắt Nghệ Tĩnh, và có chứng kiến mới biết được công nhân lao động ngành đường sắt vất vả như thế nào.
Hỏi về công việc, ông Nguyễn Văn Minh (quê Hương Sơn – Hà Tĩnh) làm công việc sửa chữa đường sắt thuộc cung đường chợ Thượng huyện Đức Thọ chia sẻ: “Tôi làm công nhân đường sắt đến nay cũng đã 20 năm, nghề nào có cái vất vả của nghề đó, đối với nghề sửa chữa đường sắt thì tôi thấy rất tự hào. Niềm vui của anh em tôi là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu là mừng rồi, đó cũng là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn dưới cái nắng, cái rét của nghề”.
Tìm hiểu thêm về công việc của công nhân đường sắt tôi biết, hằng ngày họ đều bám cung đường, bởi lịch trình của tàu chạy là cố định theo giờ hàng ngày. Công việc của họ như một khuôn khổ, ấn định theo giờ.
Công việc của công nhân đường sắt không quản ngày đêm |
Anh Đăng Khoa, Cung trưởng – Cung đường sắt chợ Thượng cho biết: Những tuyến đường sắt của chúng ta đã cũ, đến “tuổi” cần thay thế nhiều bộ phận, như ray, tà vẹt, bu lông… nên chúng tôi luôn túc trực chuẩn bị nhiệm vụ khi nhận được thông báo điểm ABC… có hư hỏng hoặc sự cố là lên đường, không kể ngày đêm.
“Công việc không phức tạp, nhưng mỗi công nhân phải học kinh nghiệm từ những người đi trước” – chỉ về mấy con ốc anh Khoa giải thích, khi những con ốc này lỏng thì chỉ cần siết chặt là được, còn khi tháo để thay nó mới khó vì bị chờn hay hoen gỉ, thì phải cố sức siết chặt thêm tí rồi mới tiến hành tháo thì nó dễ hơn, anh Khoa cho biết thêm.
Công nhân duy tu đường sắt dường như ở đâu cũng vậy, vẫn chỉ là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đào đá, vặn ốc vít làm sao cho đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để tàu qua an toàn mới gọi là hoàn thành công việc.
Tiếp tục ghi nhận dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh, tôi lên tàu từ ga Yên Trung (Đức Thọ) đến ga Hương Phố (Hương Khê). Cung đường này nhiều vị trí xuyên giữa rừng núi không có đường bộ nên mưa hay nắng, anh em công nhân đều phải cuốc bộ đi làm.
Qua tìm hiểu mới biết, công việc này cũng chẳng dễ dàng gì. Dù bây giờ đã có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn phải làm thủ công là chính: Bê ray, tà vẹt, cuốc đá, nâng giật ray… đều dùng bằng đôi tay, đôi vai cả, nên người nào người nấy lấm lem. Để đảm bảo đúng tiến độ, nhiều ngày lễ, tết, họ không được nghỉ, khi xảy ra sự cố lại lập tức lên đường.
Những cung đường nằm hẻo lánh giữa rừng núi, vất vả cho công nhân mỗi khi vận chuyển ray tàu để sửa chữa |
Dưới cái nắng như thiêu như đốt ở chảo lửa Hương Khê anh Nguyễn Tuấn Dũng – Cung trưởng ga Hương Phố, Hương Khê kể lại: Những ngày hè thời tiết nắng nóng chúng tôi làm việc giữa ray tàu không có bóng mát rất cực, nhưng nhiệt huyết yêu nghề, anh em trong đội đều vượt qua. Đến nay mùa mưa lũ cận kề thì lại có nỗi khổ riêng, không nắng nóng thì dầm mưa, có những lúc nhận tin có sạt lở anh em chúng tôi rất cực, đôi lúc kiệt sức anh em hò nhau để tiếp thêm động lực chứ biết trông vào ai, nhà dân thì cách xa…
Trong giờ giải lao anh Dũng xắn tay áo lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt, rồi kể “Nghề này không dành cho phụ nữ, chỉ có phái mạnh mới làm nổi và chịu chinh chiến hết nơi này đến nơi khác. Muốn vào nghề, điều kiện ban đầu là có sức khỏe, và hiểu biết, cùng với đó phải học qua lớp sơ cấp về ngành đường sắt”.
Họ có mặt ở hầu hết các nẻo đường. Công trình nơi đâu là nhà ở đó, các kỹ sư, công nhân sửa chữa đường sắt sẵn sàng sống trong những lán trại tạm bợ để duy tu, sửa chữa ray tàu tiếp sức cho hành khách, hàng hóa thông thương từ Bắc vào Nam và ngược lại. Khi hoàn thành xong công việc, họ nhìn con tàu kéo hồi còi báo hiệu di chuyển an toàn, những người thợ mới vỡ òa sung sướng để hòa cùng niềm vui của người lái tàu.
Nguyễn Đạt