Trải dọc đoạn đường chừng 2km từ trạm xá thôn đến Ủy ban nhân dân xã là đủ loại hoa: dâm bụt, hoa hồng, hoa ngũ sắc,… Nhờ công sức dọn dẹp, chăm sóc hằng ngày của bà Huệ, con đường cỏ dại ngày nào của thôn giờ đã phong quang, rực rỡ sắc hoa, tạo cảnh quan sạch đẹp, tô điểm sức sống mới. Bà Huệ tình nguyện làm việc này vì muốn đóng góp công sức cho làng, xóm để mọi người cùng làm theo.
Bà Trần Thị Huệ vẫn cặm cụi nhổ cỏ, trồng cây, chăm sóc con đường làng |
Xã Yên Mỹ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014. Đến thời điểm này, diện mạo nông thôn đã đổi thay rõ rệt từng ngày nhờ sự vào cuộc của toàn thể nhân dân. Công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc các tuyến đường hoa được Yên Mỹ thực hiện theo mô hình xã hội hóa.
Ngay sau khi bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được ban hành, xã đã vận động bà con mỗi người đóng góp 1.000 đồng/tháng để duy trì quỹ trồng cây xanh, các tuyến đường hoa. Chủ trương của xã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, nhờ đó, những đoạn đường cỏ dại ở Yên Mỹ tiếp tục được nở hoa. Trong đó, có một phần đóng góp không nhỏ của bà Trần Thị Huệ.
Ông Trần Quang Khải – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Mỹ, cho biết: “Bà Trần Thị Huệ là một trong những gương điển hình của xã Yên Mỹ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà thành phố ban hành. Trồng hoa, trồng cây cảnh thay cỏ dại giờ trở thành phong trào ở xã Yên Mỹ.
Việc trồng cây xanh không chỉ mang lợi ích trước mắt là đem lại màu xanh, mà xa hơn là nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của người Hà Nội. Vì thế, người dân Yên Mỹ dù ở lứa tuổi nào cũng có ý thức trong gìn giữ cảnh quan môi trường, không vứt rác bừa bãi, không thả rông chó ra đường”.
Con đường cỏ dại ngày nào của thôn giờ đã phong quang, rực rỡ sắc hoa |
Không chỉ làm đẹp đường làng, ngõ xóm, bà Trần Thị Huệ còn quan tâm đến việc bảo tồn những giá trị truyền thống của làng quê. Nhà Truyền thống xã Yên Mỹ trưng bày trên 300 hiện vật, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân, chủ yếu là những vật dụng gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Nhiều hiện vật trong số đó có thời gian trên 100 năm.
Kể từ khi Nhà Truyền thống đi vào hoạt động, bà Huệ tự nguyện nhận công việc quét dọn, tiếp nhận hiện vật do các hộ dân mang đến hiến tặng, cũng có khi bà trở thành hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho các du khách đến đây tham quan.
Đối với bà Huệ, những hiện vật ở đây quá quen thuộc. Bà đã nhớ mặt và đặt tên từng món, đó là chiếc mâm gỗ hình chữ nhật là của gia đình cụ Đặng Văn Quế ở xóm 2 sử dụng trong giỗ chạp từ thế kỷ 19; chiếc chum sành còn nguyên núm, nắp đậy là của gia đình ông Dạng ở xóm 9 có thể chứa được vài tạ thóc,…
Bà Huệ nhớ lại: “Đó là vào một buổi sáng đẹp trời, tôi đang trên đường tới Nhà Truyền thống bỗng nhiên được cụ Thọng (hơn 90 tuổi) ở xóm 6 gọi vào. Cụ vừa tìm được chiếc điếu bát hút thuốc lào của bố chồng, tính đến nay hiện vật này đã trên 100 tuổi. Cụ nhờ tôi mang ra Nhà Truyền thống hiến tặng giúp. Tôi rất xúc động và vinh dự, vì đây là hiện vật mà gia đình cụ còn giữ và đã tin cẩn giao cho tôi – một người trông nom, quét dọn ở Nhà Truyền thống”
Có thể nói, việc làm đẹp đường liên thôn, xã, đường làng bằng việc trồng hoa thay thế cỏ dại; hay việc xung phong đảm nhận những công việc xã hội của bà Trần Thị Huệ đã góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp ở địa phương và làm cho môi trường sống ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, tô điểm cho làng quê Yên Mỹ ngày thêm văn minh, hiện đại và giàu đẹp.
Bảo Thoa