1012 năm về trước, khi Đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, đưa kinh thành từ Hoa Lư về Đại La, đến nay, vùng đất Thăng Long – Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm. Song phát huy hào khí mảnh đất thế rồng bay của dân tộc anh hùng, quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã đoàn kết một lòng, kiên cường chiến đấu và chiến thắng, viết nên những bản hùng ca bất diệt, trong đó có Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội.
Đảng bộ Thành phố vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp. |
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công cả trên mặt trận chống quân xâm lược và mặt trận lao động sản xuất…
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.
Từ năm 1964, đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Thủ đô Hà Nội là mục tiêu đánh phá quan trọng nhất của quân xâm lược. Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông về một mối.
Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục vượt lên thử thách của khó khăn nghèo nàn để phát triển. Liên tiếp những năm sau đó, Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trong hành trình xây dựng và phát triển đã qua, ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khoá XII, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Quyết định lịch sử này đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí Thủ đô. Hơn 10 năm qua, Hà Nội phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi lớn lao từ tầm vóc, diện mạo, qui mô đến nhịp độ cuộc sống…
68 năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. 68 năm qua, từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên ngày càng lớn mạnh. Ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm, Thủ đô đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và mức này đang ngày càng tăng.
Hà Nội không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể…
Năm 2016, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn đứng vị trí thứ 8 trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước. Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội của Hà Nội, ngày 9/9, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế – xã hội cả nước và Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội Thành phố quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phát triển tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý III tăng 17,7% so với quý trước, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước địa phương quản lý quý III tăng 12,9% và 38,5%. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 342.181 doanh nghiệp.
Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Thủ đô Hà Nội xứng đáng được nhân dân cả nước tin yêu, được bạn bè quốc tế ca ngợi.
Khơi dậy khát vọng để vươn lên
Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 12/10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: “Một câu hỏi đặt ra là: Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tôi cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới”.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là đáp án cho câu hỏi của Tổng Bí thư với điểm mới nổi bật khác hẳn tất cả các nghị quyết, kết luận về phát triển Thủ đô Hà Nội trước đây.
Đó là có tầm nhìn xa hơn, không chỉ có 10 năm (đến năm 2030), mà đến năm 2045 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước). Nghị quyết nêu 4 quan điểm, 2 mục tiêu và tầm nhìn, 8 nhiệm vụ – giải pháp chủ yếu, cùng 9 nội dung tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã được cán bộ, nhân dân Thủ đô và cả nước đón nhận, đánh giá cao. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận: “Sau khi nghiên cứu toàn văn Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, tôi cảm nhận được tính toàn diện, sâu sắc trong từng câu chữ. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô được đề cập trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới thành phố phải vào cuộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Từ đó mỗi cấp, ngành đều phải ra sức làm tốt trách nhiệm của mình. Nếu làm đúng được những yêu cầu ấy, Hà Nội thân yêu của chúng ta nhất định sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, hơn thế nữa, sẽ là bước đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Hà Nội đã thay da đổi thịt, những công trình được xây dựng, những mục tiêu cụ thể về kinh tế – xã hội, thay đổi đời sống nhân dân được đề ra. Đi giữa phố phường Hà Nội những ngày này khó có thể hình dung khi xưa mảnh đất này từng hứng đầy mưa bom bão đạn. Những công trình giao thông có quy mô, hiện đại là biểu tượng của sự tăng trưởng kinh tế và giao thông đô thị Hà Nội trong một thập kỷ qua có thể kể đến như Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường vành đai 3 và vành đai 3 trên cao, đường vành đai 2, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.Đáng chú ý, Hà Nội đang cùng Bắc Ninh, Hưng Yên triển khai bài bản, khẩn trương các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. |
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cùng những vấn đề cốt yếu như vậy, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Quá trình xây dựng thực tế đã bắt đầu từ ngay trong khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ trình Bộ Chính trị, đặc biệt từ khi nghị quyết được ban hành. Sau nhiều vòng lấy ý kiến các cấp, các ngành, Dự thảo Chương trình hành động đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII cuối tháng 6/2022.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến hoàn thiện Chương trình hành động để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Sau nhiều lượt, nhiều vòng rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cùng quá trình làm việc tâm huyết, trách nhiệm, kỳ công của các cơ quan tham mưu và lãnh đạo thành phố, ngày 26/8/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chương trình hành động đã xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Bộ Chính trị đề ra. Đáng chú ý, nhiệm vụ đầu tiên trong 8 nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội xác định, đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội các cấp của thành phố tập trung quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, trung tâm đầu não chính trị – hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế.
Chương trình hành động số 16-CTr/TU nêu rõ: “Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội”. Đây là tiền đề, là cơ sở thuận lợi để các cấp, ngành, cùng toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô triển khai, tổ chức thực hiện với quyết tâm đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, để những khát vọng xây dựng và phát triển Hà Nội thực sự “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trở thành hiện thực.
Kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô là dịp mỗi người Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung cùng nhìn lại những giá trị của lịch sử, những công sức đóng góp của thế hệ cha anh đi trước và thêm tự hào về đất nước, về Thủ đô anh hùng. Trên hành trình hướng tới tương lai, những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và hiện tại, Hà Nội sẽ không ngừng nỗ lực gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin của cả nước./.