Có thể thấy, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tại Hội thảo “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được đưa ra.
Theo ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội), từ việc tham gia sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và người nông dân dễ dàng nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp tiếp cận sàn thương mại điện tử Sendo để tiêu thụ nông sản. |
Ông Nguyễn Thế Lâm, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng cho biết, thông qua các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ông Lâm cũng chia sẻ, có những thời điểm, một số nơi phải “giải cứu” ổi với giá chỉ 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp người sản xuất, kinh doanh có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hàng hóa thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá… |
Có hơn 20 ha trồng cà gai leo tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, có những thời điểm sản phẩm của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gần như không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống, vì vậy công ty đã tìm đến các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Sendo, Tiktok…Ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao cho hay, kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các trang bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận nên doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.
Tương tự, ông Đỗ Ngọc Hòa, Giám đốc điều hành Rain Coffee cũng cho biết, công ty đã sử dụng một số kênh bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử và hiện chiếm khoảng 20% doanh số. “Tôi cũng đã thử mua hàng trên TikTok và nhận thấy việc mua hàng rất nhanh. Do đó, tôi đang tiếp tục nghiên cứu các kênh bán hàng thương mại điện tử và áp dụng cho kênh phân phối của đơn vị trong thời gian tới”, ông Hòa nói.
Theo thông tin từ Alibaba – trang mua sắm trực tuyến, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức là có hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Xác định giải pháp công nghệ số trong sản xuất cũng như xúc tiến thương mại là yêu cầu có tính tất yếu, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, đầu năm 2022, UBND huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay, khi bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành Nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Đông Anh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên nền tảng số. Từ việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, diễn đàn mà đến nay nông sản của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và một số quốc gia…
Cần vượt qua những rào cản
Việc sử dụng các kênh bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử để tiếp thị sản phẩm tới khách hàng hay ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh là xu thế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng khai thác tốt lợi thế từ kênh thương mại này. Đây chính là lý do mà các cơ quan xúc tiến thương mại cũng như các đơn vị có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Hà Nội đã triển khai chuỗi chương trình nhằm nâng cao kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Sản phẩm ổi của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. |
Qua ghi nhận ý kiến từ các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề trong Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức trong thời gian qua, các đại biểu từ quản lý tới doanh nghiệp đều cho rằng, rất cần có thêm những kiến thức nâng cao về lĩnh vực này để phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,… Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam đánh giá các sản phẩm nông sản của Hà Nội rất phù hợp để quảng bá, giới thiệu trên nền tảng TikTok. Các giải pháp sáng tạo trên nền tảng giải trí số 1 hiện nay còn có thể hỗ trợ đắc lực để đưa sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước. Ông Thanh cũng tin tưởng rằng, với chuyên môn và thế mạnh về các giải pháp sáng tạo đa dạng, TikTok sẽ cùng Hà Nội xây dựng được nền tảng số vững chắc. |
Từ thực tế, bà Ngân cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, xây dựng data dữ liệu thông tin doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ từ 20-30 triệu đồng/1 doanh nghiệp cũng chưa thể đủ, đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Việc trang bị các phần mềm, hay giải pháp chỉ là công cụ, hoàn toàn không thể thay thế được con người để vận hành và khai thác hiệu quả từ các giải pháp số hóa.
Trong khi, thực tế, những nhân sự có kỹ năng bán hàng hay tiếp thị trên các nền tảng số, những nhân sự hiểu biết về các quy định tham gia sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Về hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối. Đặc biệt, hạ tầng logistics còn chưa hoàn thiện; giá thành dịch vụ cao, chưa đáp ứng được nhu cầu người sử dụng. Nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử.
Theo bà Ngân, để phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ phân phối hàng hóa trên các nền tảng số, cần sự kết nối giữa Hiệp hội doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử để có những chương trình chia sẻ kiến thức, đưa ra những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp của mình hay là những thành phần tham gia vào vấn đề kinh doanh thương mại thì có thể tiếp cận được với thương mại điện tử.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Tuấn Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Nhật Bản cho rằng hầu hết chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hay cá nhân ông là chủ sàn giao dịch điện tử BB HOUSE thì đều biết rõ giá trị to lớn của kênh bán hàng trên nền tảng số, nhưng kiến thức cho một lĩnh vực mới này đòi hỏi có thời gian, có sự đầu tư chuyên sâu. Lấy ví dụ như chính doanh nghiệp của ông đã hoạt đông tới 30 năm và chủ yếu trước đây theo kênh phân phối bán hàng truyền thống thì đến nay tiếp cận kênh bán hàng này là một vấn đề cần đầu tư bài bản và cần có sự hỗ trợ truyền thông về nền tảng thương mại điện tử hay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động này.
Bắt kịp xu hướng kinh doanh mới
Là đơn vị làm công tác quản lý xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho rằng, hoạt động thương mại điện tử là vấn đề rất hay nhưng cũng là vấn đề rất khó. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề thúc đẩy thương mại điện tử trong hoạt động của doanh nghiệp, vừa qua HPA đã cùng các đơn vị tổ chức chương trình bao gồm chuỗi các Hội nghị chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đại diện TikTok Việt Nam tập huấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng TikTok cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của thành phố Hà Nội. |
Điển hình, HPA đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức có nhiều kinh nghiệm và luôn sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cùng các đối tác lớn trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistic, tài chính, phát triển thương hiệu, marketing… như Amazon Global Selling, Shopee International Platform, Tiki, Lazada, Alibaba, Google, Clever Group, VPBank, BIDV…
Trong đó, chương trình “Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số” vừa mới được tổ chức đã cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực kết nối thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Qua đó, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức chuyên ngành về phát triển kênh phân phối hiện đại, cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng chiến lược bán hàng mới. Hội nghị cũng là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của mình. “Đã đến lúc phải thay đổi và phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa kênh phân phối bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội”, bà Mai Anh nhấn mạnh.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bắt kịp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong điều kiện mới. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới phân phối, tổ chức hệ thống logistic, quản lý hoạt động của các mô hình mới và xây dựng các kế hoạch, giải pháp tổng thể là nhiệm vụ dài hạn được chú trọng xây dựng.
Thời gian tới, HPA sẽ có định hướng, phương pháp giảng dạy mới, phối hợp với các cơ quan chuyên trách để đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ, thương mại điện tử phù hợp với thực tiễn yêu cầu.“Bên cạnh đó, HPA cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về ứng dụng thương mại điện tử trong cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các ứng dụng công nghệ số”, bà Mai Anh cho hay./.