Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 – 2022): Phát huy sức trẻ vun bồi văn hóa xứ Đoài

Nằm giữa thị xã Sơn Tây, di tích Thành cổ Sơn Tây từ lâu được biết đến là một trong những công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo và còn giữ nguyên vẹn nhất Việt Nam. Tòa thành sắp kỷ niệm tròn 200 năm tuổi. Đáng chú ý, nhận thức rõ những tiềm năng, giá trị văn hóa từ di tích này, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua đoàn viên, thanh niên thị xã Sơn Tây đã có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện.

Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm Thành cổ

Theo sử sách ghi lại, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Thành có diện tích khoảng 16ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài). Thành được xây dựng nhằm mục đích quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế, tòa thành còn mang ý nghĩa trấn thủ toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy.

Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam càng cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” hậu cứ cho biên cương Tây Bắc. Với những giá trị độc đáo, năm 1994, Thành cổ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Phát huy sức trẻ vun bồi văn hóa xứ Đoài
Tuổi trẻ thị xã Sơn Tây hăng hái lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây bằng nhiều hoạt động thiết thực như trồng mới và gắn biển các công trình vườn hoa thanh niên, công trình măng non; dâng hương, tham quan, trải nghiệm, vệ sinh môi trường.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 – 2022), đánh giá về tầm quan trọng của sự kiện, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, đây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của Thị xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với di sản văn hóa ông cha để lại; tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ, cũng như tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của Sơn Tây đối với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với vùng đất địa linh nhân kiệt, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Đáng chú ý, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ngay từ đầu năm, lực lượng đoàn viên, thanh niên thị xã Sơn Tây đã có nhiều hoạt động hướng về sự kiện trọng đại này. Cụ thể, để góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch của thị xã Sơn Tây trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, Đoàn Thanh niên thị xã phối hợp cùng đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công trình thanh niên “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Sơn Tây” – “Quét mã QR Code tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn trên địa bàn thị xã Sơn Tây” tại 2 khu di tích lịch sử là Thành cổ và Văn miếu Sơn Tây.

Bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh, chỉ cần thao tác “Quét mã” QR đơn giản khách du lịch sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang thăm quan. Song song với đó là bản thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cho khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài. Công trình đã thể hiện rõ nét tinh thần “Tuổi trẻ sáng tạo” của thanh niên trong thời đại công nghệ 4.0; quảng bá hình ảnh đẹp của Thành cổ Sơn Tây đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Cùng đó, Thị đoàn Sơn Tây cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên Trường Đại học Xây dựng triển khai đưa vào sử dụng “Công trình thanh niên trang trí các gốc cây xanh trên tuyến phố đi bộ bằng vật liệu bê tông xốp công nghệ Nhật Bản”. Công trình được triển khai dọc tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, với tổng trị giá hơn 110 triệu đồng, nhằm chỉnh trang cảnh quan, môi trường thị xã xanh – sạch – đẹp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của thị xã.

Ngoài ra, hướng tới cao điểm chào mừng kỷ niệm 200 năm Thành cổ, Ban Thường vụ Thị đoàn phát động cuộc thi “Tôi yêu Sơn Tây” – Giới thiệu các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây, hay một số cuộc thi khác như cuộc thi “Sáng tác Video Clip về các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thị xã Sơn Tây”… giúp đoàn viên, thanh niên có cơ hội được đến gần, cảm nhận rõ nhất minh chứng hùng hồn của lịch sử dựng nước, giữ nước kiên cường của cha ông, một trang sử, một dấu ấn của thời đại.

Khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ

Theo Quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa – lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.

Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là ví dụ. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động đã phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm… đã góp phần tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.

Phát huy sức trẻ vun bồi văn hóa xứ Đoài
Những hoạt động ngoại khóa trong khuôn viên Thành cổ, góp phần vun bồi văn hóa xứ Đoài với thế hệ trẻ.

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thị xã đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy tiềm năng lợi thế văn hóa, lịch sử, quyết tâm xây dựng thị xã Sơn Tây thành một trung tâm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Hà Nội.

Trở lại với những đóng góp của tuổi trẻ Sơn Tây với di tích Thành cổ, trao đổi với Lao động Thủ đô, Bí Thư Thị đoàn Sơn Tây Nguyễn Huy Cận cho biết, với dấu mốc Thành cổ tròn 200 năm tuổi, tuổi trẻ thị xã vinh dự, tự hào khi trên quê hương có di sản văn hóa cấp Quốc gia.

“Chúng tôi coi đó là niềm tự hào để quảng bá các giá trị di sản tới bạn bè, du khách và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã cũng như trong và ngoài Thủ đô. Sơn Tây là nôi văn hóa phía Tây Kinh thành Thăng Long, có 244 di tích được công nhận, tôi cho rằng các giá trị này cần phải phát huy hơn nữa để từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị xã” – Bí Thư Thị đoàn Sơn Tây Nguyễn Huy Cận chia sẻ.

Được biết, những ngày này khi Lễ Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây tới gần, đoàn viên, thanh niên Thị xã đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động hướng về sự kiện; thể hiện sức trẻ xung kích, năng động, sáng tạo. Cụ thể, Đoàn Thanh niên thị xã Sơn Tây phối hợp với Trung tâm Văn hoá thông tin và Thể thao Thị xã tổ chức Đêm Nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (5/11). Chương trình văn nghệ này đã thành công tốt đẹp, nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân và du khách, góp phần xây dựng hình ảnh thị xã Sơn Tây văn hoá và tươi trẻ.

Bí Thư Thị đoàn Sơn Tây Nguyễn Huy Cận chia sẻ, trước thềm Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 – 2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, vào sáng 12/11 tới đây Thị đoàn Sơn Tây, Hội Liên hiệp Thanh niên Thị xã tổ chức giải chạy việt dã “Bước chân Thành cổ”. Giải chạy dự kiến có sự tham gia của khoảng 800 vận động viên. Ngoài ra, hoạt động văn hoá được chờ mong khác là ngày hội vẽ tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Dấu xưa Thành cổ” dành riêng cho các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Thông qua hoạt động này sẽ giúp thế hệ măng non của thị xã thể hiện tài năng trong lĩnh vực hội họa; làm nổi bật nét đẹp của di tích Thành cổ Sơn Tây.
Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/phat-huy-suc-tre-vun-boi-van-hoa-xu-doai-148548.html