Một góc hồ Thiền Quang. (Ảnh: PV) |
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Quang – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận đã báo cáo tóm tắt về quá trình triển khai, cụ thể là Thông báo số 143-TB/TU ngày 25/2/2021 của Thành ủy Hà Nội.
Theo đó, Thông báo nêu rõ: “Đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của quận lập thiết kế đô thị xung quanh hồ Thiền Quang, đồng thời cho phép quận lập Đề án tổ chức không gian phố đi bộ, không gian văn hóa khu vực Trần Nhân Tông (đoạn từ phố Quang Trung đến phố Trần Bình Trọng) và khu vực phụ cận (Công viên Thống Nhất, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang, Cung thanh niên Hà Nội) gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quan Hoa, Pháp Hoa, Thiền Quang”.
Đồng thời, văn bản số 2748/UBND-ĐT ngày 23/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc chủ trương lập đề án tổ chức không gian phố đi bộ – văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận cũng nêu: “UBND Thành phố thống nhất chủ trương lập đề án tổ chức không gian đi bộ – văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa theo đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng và ý kiến của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải,…
Hội nghị cũng được nghe đơn vị tư vấn báo cáo nhu cầu, sự cần thiết để lập đề án, mục tiêu yêu cầu của đề án. Trên địa bàn Thành phố nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng đang thiếu các không gian hoạt động văn hóa, vui chơi cho các tầng lớp nhân dân. Từ năm 1986 trở lại đây, với chủ trương đổi mới và hội nhập của nền kinh tế cả nước, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, làm cho bộ mặt kiến trúc của Hà Nội thay đổi từng ngày. Từ 4 quận nội thành, hiện nay Hà Nội đã mở rộng thành 9 quận.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về đô thị, việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa mua bán của nhân dân cũng như tạo không gian mở để nhân dân, học sinh, sinh viên vui chơi là việc làm hết sức cần thiết.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang (theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa 2 không gian) sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực,… phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội, trong đó phát triển mô hình kinh tế về đêm. Nâng cao giá trị tôn giáo tín ngưỡng của cụm di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa sau khi được cải tạo, đồng thời cũng làm tăng giá trị cảnh quan của hồ Thiền Quang.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất và khu vực phụ cận tạo thành địa điểm tổ chức không gian giao lưu, giao tiếp cộng đồng với các không gian mở và phố đi bộ, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, dịch vụ thương mại, thông tin tuyên truyền không những là một đòi hỏi khách quan mang tính cấp thiết của quận, mà còn nhằm mục tiêu phát triển đời sống dân sinh trên địa bàn.
Qua đó, phát huy hết tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại, dịch vụ tăng sức hút cạnh tranh trong hoạt động du lịch – dịch vụ – thương mại trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu rất đồng tình ủng hộ và nhất trí cao với nội dung đề án, một số đơn vị đã tâm huyết đóng góp ý kiến, trong đó Công an quận quan tâm đến đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe, gửi xe hợp lý; đảm bảo ổn định sinh hoạt của nhân dân và các hộ kinh doanh trong khu vực phố đi bộ.
Hiện tại, phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng đã hoàn thiện Đề án trên cơ sở góp ý của các Sở, ngành, đơn vị có liên quan được nêu tại văn bản số 3853/SGTVT-QLKCHTGT ngày 21/7/2022 của Sở Giao thông vận tải. Sau khi tổng hợp các ý kiến, UBND quận sẽ trình UBND Thành phố phê duyệt.