Những cộng tác viên dân số tâm huyết ở cơ sở

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình là công việc hàng ngày, quen thuộc đối với mỗi cán bộ, cộng tác viên dân số. Họ đã có những đóng góp thiết thực vào việc đưa chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình đến với người dân.

Thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng công tác dân số và phát triển chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỉ lệ sinh, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời, giảm số ca tử vong mẹ và trẻ em.
Những cộng tác viên dân số tâm huyết ở cơ sở
Cán bộ dân số xã Tân Ước (Thanh Oai) luôn gần gũi, tuyên truyền chính sách dân số tới người dân tại địa phương

Tỉ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái; theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh của toàn thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình thành phố Hà Nội Tạ Quang Huy, mặc dù tỉ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông dân số – kế hoạch hóa gia đình ở cộng đồng, thời gian qua đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới người dân. Có lợi thế là người sống cùng trong khu dân cư, họ hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung cho phù hợp.

Gắn bó với công tác dân số hơn 10 năm, chị Lê Thị Hường, cán bộ dân số xã Tân Ước, huyện Thanh Oai luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong từng công việc. Cùng với đội ngũ cán bộ dân số, hiện nay trên địa bàn xã có 17 cộng tác viên dân số tại 5 thôn, mỗi cộng tác viên tham gia quản lý từ 150 – 170 hộ dân.

Song song với việc tổ chức các cuộc tọa đàm, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, cộng tác viên dân số đến từng gia đình để giúp người dân có nhận thức đúng về công tác dân số, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Nhờ hoạt động tuyên truyền đó, năm 2019, tỉ lệ mất cân bằng giới tính của xã khá cao nhưng những năm gần đây, chỉ số này ở mức trung bình. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhiều gia đình sinh con một bề đã thay đổi nhận thức, không sinh con thứ 3, tập trung phát triển kinh tế, chăm sóc con cái. Trong đó có những gia đình các con chăm ngoan, học giỏi được biểu dương, khen thưởng.

Tiêu biểu như gia đình chị Vũ Thị Lan và anh Nguyễn Bá Hưng tại thôn Quế Sơn, hoàn cảnh kinh tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Anh Hưng bị ảnh hưởng chất độc da cam, cuộc sống gặp rất nhiều hạn chế. Chị Lan làm may gia công, kết hợp sản xuất nông nghiệp thu nhập không đáng là bao thế nhưng vượt qua khó khăn, anh chị vẫn luôn dành tình yêu thương, nuôi dạy các con. 2 con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi, con gái cả là Nguyễn Thị Kim Huệ (sinh năm 2008), 8 năm liền luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Những cộng tác viên dân số tâm huyết ở cơ sở
Đối với mỗi gia đình, bà Trần Thị Thắng, cán bộ dân số Tổ dân phố Ga thị trấn Văn Điển lựa chọn cách tuyên truyền sao cho phù hợp nhất

Tương tự, Tổ dân phố Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì những năm gần đây, kinh tế đã phát triển, trình độ dân trí của người dân được nâng cao, đặc biệt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình nhiều năm liền đều hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Có những kết quả đó là nhờ vào công đóng góp của những cộng tác viên dân số.

Hơn 3 năm gắn bó với công tác dân số, bà Trần Thị Thắng cho biết: Khoảng thời gian gắn bó với công tác dân số đã để lại trong bà nhiều cung bậc cảm xúc. Khi mới nhận nhiệm vụ, do chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về dân số, sức khỏe sinh sản, do đó bà gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền. Quá trình triển khai công việc, bà Thắng đã tìm lối đi riêng, bà tìm hiểu nắm bắt hoàn cảnh kinh tế, đặc thù công việc, khó khăn của mỗi hộ trong Tổ để có cách tuyên truyền phù hợp, sâu, sát nhất.

Bên cạnh đó, những gia đình gặp vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân bà Thắng đều dành thời gian phân tích, hòa giải cho từng thành viên. Đối với những hộ sinh con một bề, bà

“Việc tuyên truyền công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà cả người thân của họ hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình. Để làm được việc đó, tôi kiên trì đến từng nhà, gặp từng người, tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức mình có để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ sức khỏe người phụ nữ…”, bà Thắng chia sẻ.

 

N.Hoa