Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.
Người dân tham quan, mua sắm tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 |
Với các sản phẩm cây ăn quả, trong đó nổi trội là ổi lê Đài Loan, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) đã có thị trường tiêu thụ rộng mở, đặc biệt là kể từ khi nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã đạt sản phẩm OCOP của Thành phố. Hợp tác xã đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Việc tạo mã truy xuất nguồn gốc đã tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Thông qua mã truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong cho biết: Hiện nay các sản phẩm của Hợp tác xã đã có chỗ đứng, thị trường ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm của Hợp tác xã đến với khách hàng không chỉ thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố Hà Nội mà còn có thị trường tiêu thụ rộng tại các địa phương lân cận như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên…
Tương tự, sản phẩm bưởi Đỏ từ lâu được trồng rộng rãi tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Để bảo tồn, gìn giữ, đưa bưởi Đỏ đến gần hơn với người tiêu dùng, người dân nơi đây thành lập Hợp tác xã. Theo đó, Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao tiến hành truy xuất nguồn gốc quả, truy xuất nguồn gốc cây con để đảm bảo đúng mã số, mã vạch của thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao, từ đó tạo được niềm tin cho khách hàng.
Sản phẩm bưởi Đỏ Đông Cao đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Được sự quan tâm tạo điều kiện của Trung tâm xúc tiến thương mại Thành phố, sản phẩm của Hợp tác xã được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc… nhờ vậy mà được nhiều người biết đến, lượng tiêu thụ ngày càng tăng, ổn định.
Ông Lương Văn Phương, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao cho biết: “Việc bưởi Đỏ được chứng nhận về chất lượng sẽ tạo điều kiện tốt cho việc vươn tới thị trường trong và ngoài nước. Sau khi có thương hiệu, chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến, tiếp cận với các đơn vị phân phối để bà con trong và ngoài nước biết đến, sử dụng sản phẩm của Hợp tác xã”.
Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn chủ thể đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình OCOP mà Hà Nội triển khai.
Người tiêu dùng đánh giá cao
Các sản phẩm OCOP sau khi được gắn sao không chỉ giúp các địa phương có ý thức hơn trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm; mà còn giúp các chủ thể ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Qua đó, khẳng định được uy tín, niềm tin với người tiêu dùng và đây chính là vấn đề cốt lõi để các sản phẩm OCOP vươn xa.
Các hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng |
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tăng cường kết nối với các địa phương nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng; hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.
Trong đó, cùng với việc triển khai các tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, tổ chức các sự kiện, hội chợ kết nối giao thương… đến nay, thành phố Hà Nội đã phát triển được 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, khách du lịch đến với Thủ đô.
Ghi nhận tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 được tổ chức mới đây tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) nhiều khách hàng đến với hội chợ, tiếp cận nông sản, hàng hóa đã bày tỏ sự tin tưởng đối với các sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP.
Chị Nguyễn Thị Linh (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Đến với hội chợ, tôi có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Về chất lượng thì tôi không băn khoăn vì hầu hết các sản phẩm đều được chứng nhận OCOP 3 – 4 sao. Gia đình tôi thường lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn. Tôi mong muốn các Hợp tác xã và doanh nghiệp các địa phương sẽ có nhiều điểm cung ứng và quảng bá sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội để người dân dễ tiếp cận hơn với sản phẩm”.
Cùng chung đánh giá, bà Nguyễn Thị Miên (quận Cầu Giấy) cho biết: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được các sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo các tiêu chí, đánh giá về chất lượng an toàn. Các hội chợ Thành phố tổ chức là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đặc sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt”.