Theo Chủ tịch UBND xã Lệ Chi Phan Trung Kiên, Lệ Chi là xã thuần nông. Những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang hoa ly, quất cảnh, chuối, củ đậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, sản phẩm “Củ đậu Lệ Chi” đã được cơ quan chức năng chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, Lệ Chi có thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm; xã không có hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,5%.
Tại xã Phú Thị, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Chấn thông tin, bên cạnh các tiêu chí về xây dựng hạ tầng, xã Phú Thị còn đạt kết quả cao trong nâng cao đời sống người dân. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 64 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, đến hết tháng 10-2022, huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo…
Căn cứ Hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 của thành phố, 2 xã Lệ Chi và Phú Thị đã đạt 19/19 tiêu chí với số điểm đạt 90 điểm trở lên (thang điểm 100), không có tiêu chí nào bị điểm liệt (0 điểm), không có nợ xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt theo quy định, không phải là xã trọng điểm về an ninh trật tự… Đoàn thẩm định thống nhất 2 xã đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Riêng với xã Cổ Bi, thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực là giáo dục và văn hóa. Để thực hiện các yêu cầu đặt ra đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, Cổ Bi đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; hoàn thành 2 tiêu chí bắt buộc đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu là thu nhập bình quân đầu người (cao hơn 10% so với mức thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới nâng cao cùng thời điểm) và có mô hình thôn thông minh.
Đối với 2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tự chọn là giáo dục và văn hóa, địa phương đều đạt. Cụ thể, với lĩnh vực giáo dục, Cổ Bi có 5/5 trường học các cấp đã đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Về lĩnh vực văn hóa, xã có Trung tâm văn hóa – thể thao đạt chuẩn theo quy định; có đầy đủ trang thiết bị và hoạt động hiệu quả; các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, có các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, hiệu quả…
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố, qua thẩm định thực tế, 11 xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đều đạt kết quả rất rõ nét trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tuy vậy, hồ sơ minh chứng cho các tiêu chí của các xã còn thiếu sót, chưa bảo đảm chất lượng, chưa toát lên được chất lượng các tiêu chí đạt cao. Ông Ngọ Văn Ngôn đề nghị các xã hoàn thiện lại hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu theo quy định.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, năm 2022, huyện Gia Lâm có 11 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó có 3 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là: Phù Đổng, Cổ Bi, Dương Xá; 8 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao là: Kiêu Kỵ, Dương Hà, Ninh Hiệp, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Lệ Chi, Phú Thị.
Sau 4 ngày làm việc, Đoàn thẩm định của thành phố đã thống nhất huyện có 3 xã đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và 8 xã đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, vượt mục tiêu huyện đề ra.
Nguyễn Mai
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/co-so/828284/11-xa-cua-huyen-gia-lam-duoc-tham-dinh-dat-tieu-chi-nong-thon-moi-nang-cao-va-kieu-mau