Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, hiệu quả, bền vững và an toàn thực phẩm được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nông nghiệp huyện Thạch Thất (Hà Nội) bắt kịp được với xu hướng phát triển hiện đại.

Theo báo cáo của huyện Thạch Thất, năm 2022, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể như diện tích gieo trồng và năng suất lúa 2 vụ đều vượt kế hoạch đề ra. Toàn huyện đã gieo trồng được 10.236/10.209,66 ha, đạt 114,6%; diện tích cây màu vụ xuân, vụ mùa là 2.006,9/1.994,8ha, đạt 100,6%; diện tích vụ đông trồng được 750/750ha, đạt 100%.

Diện tích cây ăn quả tập trung hiện có là 541,4 ha; diện tích chè toàn huyện là 75,1 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Bình, Tiến Xuân… đều cho năng suất và sản lượng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung
Trong năm 2023, huyện Thạch Thất tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển ổn định. Tổng đàn trâu bò năm 2022 ước đạt 7.838 con (tăng 2,5%), đàn lợn ước đạt 106.373 con (tăng 1,7%), đàn gia cầm ước đạt 838.472 con (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021).

Triển khai nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định quan điểm chỉ đạo: Tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy mô vừa và lớn; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại ngành, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP.

Hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu trong sản xuất từ khâu làm đất, cấy lúa, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cơ cấu giống lúa, cây màu chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm quản lý của các cơ quan, các xã, thị trấn và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023 Ủy ban nhân dân Thành phố giao cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP đã được Thành phố công nhận; tăng cường kết nối giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân), tăng cường thêm các điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để giúp nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Lựa chọn mô hình và tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đồng bộ – dứt điểm – phù hợp nguồn lực – không dàn trải, manh mún, không phát huy được hiệu quả của mô hình.

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng. Có cơ chế hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới, mua sắm trang thiết bị máy móc ứng dụng cơ giới hóa và các hỗ trợ khác để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

K.Tiến