Với người Hà Nội, Tết không thể thiếu sắc đỏ của những cành hoa đào. |
Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Việt Hà, “người Hà Nội” ngày nay mới có từ “chơi Tết”, chứ trước đây gọi là “ăn Tết”. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian: “Ăn no, mặc ấm”, vạn sự khởi đầu từ chữ “ăn”, “ăn Tết”, “ăn mặc”, “ăn chơi”, “ăn nói”… Thế nên, trong những bữa ăn ngày Tết, người Hà Nội cũng chuẩn bị những món ăn rất công phu.
Một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình “người Hà Nội” đó là món canh bóng. Canh bóng là một trong những món ăn truyền thống, được duy trì qua nhiều thế hệ. Từ đầu năm, mỗi khi mua thịt lợn các bà, các cô đều lóc miếng bì rồi dùng thanh tre căng như căng da trống rồi đem gác bếp. Da lợn hong khô bỏ vào lò nướng nở như miếng xốp. Trước khi nấu bóng phải ngâm, rửa thật kỹ bằng nước gừng. Miếng bóng nấu canh có vị ngọt do hút hết vị ngọt của tôm, thịt nạc, khi ăn hơi giòn, cảm nhận rõ mùi thơm của nấm, vị mát của su hào, cà rốt được cắt tỉa cầu kỳ.
Mâm cơm với những món ăn truyền thống trong ngày Tết của một gia đình “người Hà Nội”. |
Cùng với món canh bóng, trong văn hóa ẩm thực của người Hà Thành, món canh măng lưỡi lợn (măng dày nhọn như lưỡi lợn) cũng là món ăn rất công phu, phải đi nhiều phiên chợ mới chọn được loại măng như ý. Măng mua về cho vào nồi đồng đậy nắp kín để ở nơi khô ráo, thỉnh thoảng mang ra phơi và dùng giấy bản lau kỹ những chỗ mốc. Trước khi ninh phải rửa măng thật sạch, ngâm và thay nước nhiều lần, từ lúc nước có màu chè đặc thành nhạt màu mất một hai ngày. Sau khi hết mùi ngai ngái thì cho vào nồi luộc nhiều lần mới hoàn thành việc “tắm rửa” cho măng.
Cuối cùng, ninh măng với cổ cánh, thịt gà, thịt lợn, chân giò… Khi nào dùng đũa đâm nhẹ cũng xiên được vào miếng thịt là được. Miếng thịt mỡ ninh măng ăn béo ngậy nhưng không ngấy như thịt luộc hoặc quay. Măng lưỡi lợn dày, dễ ngấm vị của xương thịt nên mềm, ngọt đến tận chân răng kẽ lưỡi. Miếng măng vừa có chất xơ của rau vừa có chất thịt, giống như một loại “đông trùng hạ thảo” vậy.
Để giữ đúng hương vị truyền thống trong ngày Tết, trên mâm cơm dâng lên ban thờ trong những ngày Tết của gia đình, bà Nguyễn Thị Phượng (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) luôn có những món ăn truyền thống. “Tết nào nhà tôi cũng nấu những món ăn truyền thống để dâng lên ông bà, tổ tiên như: Giò mỡ, canh bóng, canh măng,… Đặc biệt, không bao giờ thiếu bánh chưng, để ăn Tết trọn vẹn là phải đủ những món ăn truyền thống”, bà Phượng bộc bạch.
Nhiều gia đình cũng tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc đẹp mỗi dịp năm mới. |
Hạnh phúc khi được quây quần cùng con cháu trong mâm cơm ngày Tết, bà Ninh Thị Vân Anh (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Bữa cơm ngày Tết, rất vui khi nhìn con cháu vui vẻ, quây quần ăn những món ăn truyền thống do tôi nấu, khi ấy, những hình ảnh Tết xưa như tự nhiên trở về…”.
Nhớ lại những lần được ngồi trông nồi bánh chưng cùng mẹ, bà Vân Anh kể, vui và háo hức nhất là ngày 30 Tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng rồi chuẩn bị cho giao thừa. Với các gia đình sống ở khu phố cổ thì vỉa hè trở thành nơi nấu bánh chưng Tết lý tưởng. Xung quanh bếp lửa hồng ấm cúng, cả nhà trông bánh, chơi Tết. Sang ngày mùng 1 thì cả gia đình cùng đi lễ chùa, du Xuân, vãn cảnh. Thật thảnh thơi và hạnh phúc!
Tết xưa của người Hà Nội đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỷ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí nhiều người. Vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn cố gắng gìn giữ nét đẹp văn hóa qua những món ăn, hoạt động truyền thống mang đậm nét đẹp của người Hà Nội.