Lượng du khách tăng đột biến
Anh Nguyễn Phi Hùng (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Để tránh cảnh phải chen chúc nhau khi đi lễ, tôi cùng gia đình lựa chọn đi từ mùng 4, tuy nhiên vẫn gặp cảnh cả “biển” người đi lễ đầu năm. Mặc dù vậy, công tác an ninh tại chùa Hương vẫn được đảm bảo nên mọi người đều vui vẻ chứ không gặp vấn đề gì khó chịu cả”.
Tương tự, chị Mai Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thường năm nào chị và gia đình cũng đến chùa Hương vào dịp Tết để cầu may. “Đi chùa đầu năm tôi không chỉ cầu mọi sự tốt đẹp đến với bản thân, gia đình mà để trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Hôm nay (mùng 5 Tết – PV), cả nhà tôi đi từ sáng sớm để tránh đông người, thế nhưng vào đến chùa cũng đã thấy rất đông người rồi”, chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Phi Hùng cùng gia đình đi lễ chùa Hương. |
Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, tính đến hết mùng 4 Tết, chùa Hương đã đón khoảng 8 vạn du khách từ khắp các nơi, trong đó ngày mùng 2 và mùng 3 Tết đón 2 vạn du khách mỗi ngày, còn ngày mùng 4 lượng du khách đổ về đây tăng đột biến, ước tính khoảng hơn 4 vạn người.
“Mọi công tác chuẩn bị cho việc khai hội vào mùng 6 đã hoàn tất. Để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tổ công tác liên ngành sẽ thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bán hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra thường xuyên nguồn gốc thực phẩm đồng thời khám bệnh cho những người tham gia phục vụ du khách…”, ông Hiển cho hay.
Cũng theo ông Hiển, năm nay chùa Hương áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý. Trong đó, Ban quản lý bán vé điện tử và thực hiện quét QR tại khu vực soát vé, thay vì mua vé giấy truyền thống. Ngoài ra, Ban quản lý cũng đặt các bến bãi đỗ xe gần với bến đò và đưa xe điện vào sử dụng phục vụ du khách.
Theo quan sát, việc áp dụng vé điện tử và quét QR tại khu vực soát vé rất thuận tiện nhanh chóng, việc áp dụng công nghệ 4.0 là văn minh và lịch sự đem lại sự hài lòng của du khách. |
Ông Nguyễn Bá Hiển cũng cho biết, Ban quản lý đã kết hợp với chính quyền địa phương xã Hương Sơn tổ chức tuyên truyền tới bà con nhân dân nhất là những người trực tiếp tham ra phục vụ lễ hội để làm sao lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh thân thiện.
Những con đò được “khoác áo mới”
Sau hơn 2 năm, Lễ hội Chùa Hương mới được tổ chức trở lại mà không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Qua ghi nhận, điểm nổi bật của Lễ hội chùa Hương năm nay là Ban tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trảy hội.
Ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện xe điện, thuyền, an ninh thật tốt để phục vụ du khách đi lễ trong dịp này. |
Đáng chú ý, năm nay, Ban tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
Tại khu vực suối Yến, hàng nghìn con đò được đại tu, sơn sửa lại như mới. Những con đò chở khách vãn cảnh chùa Hương năm 2023 chủ yếu có màu xanh, màu chủ đạo có ý nghĩa thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường cũng được chú trọng, người dân sinh sống dọc bến đò Suối Yên đã trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.
Bà Nguyễn Thị Hà, người gắn bó với nghề chèo đò ở chùa Hương hơn 10 năm vui mừng cho biết: “Đã lâu lắm rồi kể từ ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, người dân chèo đò ở Hương Sơn chúng tôi chưa một lần được tất bật với công việc như những năm trước. Ngay cả năm ngoái khi Lễ hội chùa Hương được mở lại, chính quyền và nhân dân Hương Sơn vẫn đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng số lượng du khách về chùa Hương cũng không nhiều. Do vậy, những con đò của gia đình tôi chủ yếu làm nằm yên một chỗ dưới dòng Suối Yến”.
Lễ hội chùa Hương 2023 sẽ chính thức khai mạc từ ngày mùng 6 Tết (27/1) và kéo dài trong suốt 3 tháng, dự kiến lượng khách đến đây sẽ tăng vọt. |
“Những năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bản thân tôi hàng ngày cứ đi ra Suối Yến ngồi ngắm những con đò của gia đình rồi lại quay về. Nhà tôi có khoảng chục con đò đã hoạt động ở Suối Yến bao nhiêu năm nay. Vừa rồi tôi cũng cho tu sửa lại để đảm bảo an toàn trong lúc đưa du khách đi vãn cảnh chùa Hương, đồng thời thay đổi từ màu đỏ sang màu xanh cho thân thiện với cảnh quan môi trường”, ông Trịnh Văn Hưng, một người dân xã Hương Sơn bộc bạch.
Những người chèo đò cập nhật công nghệ mới
Trước sự thay đổi lớn của Lễ hội chùa Hương năm 2023, người dân xã Hương Sơn, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia công việc của lễ hội đã phải cập nhật về công nghệ để kịp đáp ứng được nhu cầu của mới của lễ hội.
Do vé thắng cảnh của chùa Hương năm nay được thực hiện dưới hình thức vé điện tử, do vậy những người trực tiếp tham gia công việc của lễ hội đã phải cập nhật công nghệ để kịp đáp ứng được nhu cầu của mới của lễ hội.
Chị Lê Thị Trang, một người dân trong xã chia sẻ: “Chúng tôi những người chèo đò ở chùa Hương toàn là nông dân chính hiệu. Nhiều năm nay với sự phát triển của xã hội, chúng tôi cũng ít nhiều tự cập nhật được một phần về công nghệ thông tin qua điện thoại di động thông minh. Do vậy, khi được biết là Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều thay đổi lớn, chúng tôi cũng đã nhanh chóng cập nhật để có thể phục vụ tốt hơn bà con về trẩy hội”.
Nhiều người dân xã Hương Sơn đang cảm thấy rất vui mừng vì sau nhiều năm họ lại được chèo đò phục vụ du khách về quê hương mình vãn cảnh, lễ phật. Bầu không khí lễ hội đã len lỏi vào từng thôn xóm ở Hương Sơn.