Hưởng ứng sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và tiếp nối chuỗi hoạt động để kết nối, xây dựng, quảng bá hình ảnh Thành phố sáng tạo của Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá vàThể thao Hà Nội đã tổ chức “Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại”.
Đây là hoạt động nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu đến người dân và du khách về di sản văn hoá thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hoá dân gian trong đời sống đương đại.
Lễ hội cũng hướng đến mục đích tôn vinh, giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa dân gian đương đại và các di sản văn hóa của Thủ đô, qua đó góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống. Nhiều không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phát huy tinh hoa nghệ thuật truyền thống, không gian mỹ thuật dân gian, không gian trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại… là những điểm dừng chân thú vị tại lễ hội. Khu vực trưng bày giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống và sản phẩm nghề thủ công truyền thống đang được gìn giữ và phát huy giá trị như nghề gốm Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, tranh dân gian Hàng Trống… cũng là những điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, ấn tượng còn là không gian triển lãm, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật dân gian thông qua công nghệ 3D Mapping hiện đại.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo của 16 làng nghề thủ công truyền thống gồm: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)…
Các nghệ nhân làng nghề trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống tới đông đảo người dân và du khách như: nghề may áo dài làng Trạch Xá với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu, mỹ nghệ Sơn Đồng…
Bên cạnh hoạt động triển lãm, trưng bày, tại lễ hội còn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội sẽ được giới thiệu như: Hát Chèo tàu, Hát dô, Hát xẩm, Hát ví, Hát trống quân…
Hà Nguyên/MASK