Hà Nội đất chật người đông, có thể nói “tấc đất, tấc vàng”. Nhưng khi biết tém vén, tận dụng, ngay cả những con ngõ dù rất nhỏ cũng “làm ra tiền”. Không chỉ ở các con ngõ, mà trong ngõ còn có những ngách cũng khá thú vị. Có những ngõ bề ngang chỉ vừa đủ một người đi, vì nhỏ mà rất dài nên người ta hay để những bóng đèn bật lên cả ngày lẫn đêm mới thấy đường để đi. Tuy rất hẹp, nhưng người ta tận dụng triệt để từng centimet để kinh doanh đủ các mặt hàng, kể cả mặt hàng ẩm thực. Những hàng quán ở đây được bày biện san sát nhau. Người ta phân biệt các quán đôi khi bằng cách rất đơn giản: những chiếc ghế nhựa con con khác màu. Khách muốn ăn nem rán, xin mời ngồi xuống dãy ghế màu xanh, muốn ăn bún đậu mắm tôm xin ngồi ở dãy ghế màu vàng, ăn bún chả ghế màu đỏ…
Có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, hình như để thích nghi với những con ngõ, ngách chật hẹp như thế này người ta đã hình thành cho mình một sự ngăn nắp, gọn ghẽ: chỉ cần ba chiếc ghế con đặt sát nhau, chiếc ở giữa sẽ là chiếc bàn, quán nào cũng bày biện xếp đều tăm tắp như thế tạo nên một dãy dài suốt con ngõ hẹp nhìn rất vui mắt, nhưng đồng thời du khách cũng có một lối để đi chứ không phải phiền hà trong cảnh lộn xộn. “Văn hoá ngõ” ở đây còn thể hiện ở chỗ khách đi ngang sẽ nhận được những lời mời chào xởi lởi, tuyệt đối không có cảnh chèo kéo, cạnh khoé tranh giành khách, ai muốn ăn gì mua gì cứ thoải mái kéo ghế ngồi xuống đó mà không phải ngại ngần sợ cảnh “hàng cá dèm hàng tôm”.
Những hôm lang thang phố phường Hà Nội, tôi không tránh khỏi ngạc nhiên và thầm công nhận: Ở Hà Nội, một ngách nhỏ cũng có thể làm ra tiền. Kẻ mua người bán tấp nập, đôi khi một chiếc xe máy chạy ngang chậm lại một chút để tránh nhau, tôi thấy người ta vẫn vui vẻ chứ không tỏ ra khó chịu vì lối đi chung bị lấn chiếm. Dường như sống trong điều kiện chật hẹp như thế khiến người ta trở nên rộng lượng, cảm thông cho nhau hơn. Ngõ nhỏ nhưng tấm lòng rộng lớn, đó là một nét đẹp của thị dân Hà Nội mà tôi cảm nhận rất rõ.
Những con ngõ ở Hà Nội không chỉ để kinh doanh mà còn có những con ngõ làm lối đi chung của những ngôi nhà. Những sợi dây điện, dây cáp chằng chịt là hình ảnh thường thấy ở những con ngõ như thế này. Ở đây có khi ngõ là nơi sinh hoạt chung của các gia đình. Bước vào đây có khi bạn lại thấy một khung cảnh rất đời thường và gần gũi của người Hà Nội. Họ nấu ăn, giặt giũ, phơi áo quần, tiếng chào hỏi, chuyện trò râm ran.
Mà quả là vậy, người Hà Nội rất cởi mở, cởi mở ngay trong những câu chào. Sáng mở cửa chào nhau, ra vào cả ngày chạm mặt nhau, lại chào. Cả một bầu trời văn hoá của Hà Nội hiện diện ngay ở những ngõ hẹp này mà bạn không cần phải tìm nơi nào khác. Bên cạnh những con ngõ sâu hun hút này với những sinh hoạt thường nhật thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ bắt gặp những con ngõ tuy nhỏ mà rất đẹp. Sâu hun hút nhưng được thiết kế rất khéo, bước vào đây bạn sẽ hiểu vì sao người ta bảo dân Hà Nội rất tinh tế. Ở đây họ biết biến điều kiện sống chật hẹp thành một không gian đầy nghệ thuật từ những viên gạch được xếp đặt lạ mắt đến những ánh đèn vàng pha lên tạo nên một con ngõ thật quý tộc và lung linh, đẹp đến nỗi nhiều lúc đi ngang tôi không thể kềm lòng để phải ghé vào chụp những tấm hình lưu niệm cho mình.
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó…”, có những con ngõ không chỉ nhỏ mà là rất nhỏ, chỉ đủ để một người đi. Nhưng nơi đây gắn liền với những kí ức, những kỉ niệm có khi là của cả một đời người. Tôi chỉ ở cùng Hà Nội dăm ngày, thế nhưng giờ đây trong tôi vẫn hiện lên những gì thân thương nhất, đặc trưng nhất của người Hà Nội. Đôi khi chúng trở về trong giấc mơ của tôi, những ngôi nhà mái ngói xô nghiêng, những khung cửa màu xanh sáng lên niềm ước mơ, hy vọng, vượt thoát.
Trong ngõ nhỏ, còn có bao nhiêu ngôi nhà nhỏ, những ngôi nhà đã chở che, ươm mầm, nuôi dưỡng những trí tuệ Hà Nội. Có biết bao hiền tài đã lớn lên trong những ngôi nhà nhỏ như thế này, bao văn nghệ sĩ tên tuổi cũng đã lớn lên từ đây. Ngõ nhỏ mà tri thức lớn rộng, vươn xa ra bầu trời rộng lớn ngoài kia, để Hà Nội mãi lưu truyền danh thơm, là miền đất địa linh nhân kiệt.
Quà rong Hà Nội xưa nay nức tiếng qua những ngòi bút của nhà văn Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn Vũ Bằng với Miếng ngon Hà Nội … Thiết nghĩ, những món ăn ấy lại như càng đậm vị hơn nếu cái thú ấy diễn ra trong một khung cảnh chật hẹp nhưng ngăn nắp. Bạn tưởng tượng mà xem, trong một không gian bé tí ấy bạn vừa được ăn bún đậu mắm tôm, lại được khuyến dụ cái bao tử bằng mùi nem nướng hàng bên cạnh, thỉnh thoảng bát bún riêu từ cái nồi nước dùng hàng kế đó thơm lừng chen vô mũi… chao ôi, ắt hẳn bạn cũng sẽ như tôi vậy, chỉ mong làm sao ăn mà cái bụng đừng no để còn được thưởng thức nhiều món ngon khác.
Vừa nhẩn nha thưởng thức ẩm thực, vừa ngắm cảnh sinh hoạt đời thường của thị dân Hà thành, tiếng nói cười, chuyện trò lao xao nhẹ nhàng giọng nói Hà Nội. Thoảng đâu đây nồng nàn hương ngọc lan thoang thoảng, chợt vọng lên thanh âm thánh thót dương cầm từ căn gác nhỏ nhà ai qua khung cửa màu xanh, trong hun hút ngõ sâu chật hẹp, cũ kĩ. Chợt thấy gần gũi và yêu thương biết bao nhịp sống mỗi ngày diễn ra nơi đây. Nơi những con ngõ nhỏ mà tri thức, tình người vượt thoát khỏi không gian chật hẹp, hoà mình cùng dòng chảy văn hoá đang mỗi ngày chuyển động ngoài kia. Hà Nội cũ, vì Hà Nội ý thức được những giá trị của vùng đất linh thiêng hào hoa ngàn năm văn hiến. Nhưng tự hào hơn vì bên trong những cái cũ đó người Hà Nội đang ấp ủ, ươm mầm những sáng tạo mới từ những con người tài hoa chí lớn cho quê hương ngày thêm đẹp giàu.
Trang Thùy
https://nguoihanoi.com.vn/ngo-nho-ha-noi-rong-tinh-nguoi-67273.html