Đồng bộ hệ thống hạ tầng hiện đại, văn minh

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt đô thị của huyện Gia Lâm đang dần hình thành theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, qua đó góp phần giúp huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, hạ tầng xã hội và trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường gom song hành với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của huyện Gia Lâm. Ảnh: Mạnh Quân

Từ năm 2019 đến nay, huyện Gia Lâm được UBND thành phố Hà Nội đầu tư Dự án “Xây dựng hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, Khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm”, gồm 3 tuyến đường, tổng chiều dài 3.287,5m với các hạng mục nền, mặt đường, hè vỉa, cấp nước, hệ thống điện chiếu sáng, hào kỹ thuật, thoát nước… Tổng diện tích dự án 11,78ha, liên quan đến 308 hộ dân và các tổ chức thuộc các xã, thị trấn: Dương Xá, Phú Thị, Trâu Quỳ, tổng mức đầu tư hơn 252,973 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm Triệu Thanh Tùng cho biết, dự án bắt đầu triển khai thi công từ ngày 25-12-2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đến nay, khối lượng thi công ước đạt 80%. UBND huyện cũng đã phê duyệt và chi trả tiền cho 305/308 phương án bồi thường hỗ trợ, tổng số hơn 88,732 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023 dự án sẽ hoàn thành.

Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh thông tin, xã có 176 hộ có đất nằm trong vùng Dự án “Xây dựng hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, Khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm”. Đến nay, 173 hộ đã nhận bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công dự án; còn lại 3 hộ đã nhận bồi thường hỗ trợ, nhưng tiếp tục đề xuất được hỗ trợ thêm suất tái định cư và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Xã cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, góp phần bảo đảm tiến độ triển khai dự án.

Tương tự, Dự án “Xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị”, đầu tư xây mới 3 tuyến đường và 2 cầu, tổng chiều dài 6.094m, tổng vốn đầu tư hơn 407,2 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022, dự án đã hoàn thành giải ngân 293,79 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 thực hiện cơ bản xong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án.

Các dự án giao thông hoàn thiện sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế trên địa bàn. Cũng theo ông Triệu Thanh Tùng, năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện được giao nhiệm vụ triển khai 585 dự án, tổng vốn đầu tư cấp thành phố và huyện 1.181,138 tỷ đồng.

Đến nay, đã thực hiện xong 205 dự án; tiếp tục hoàn thành, bàn giao và thi công 122 dự án chuyển tiếp; đang thực hiện 51 dự án; tỷ lệ giải ngân tính đến tháng 1-2023 đạt 88,5%, trong đó vốn thành phố đạt 78,6%, vốn huyện 91,6%…

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho hay, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án giao thông, đến nay, 100% tuyến đường trên địa bàn huyện đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện và kết nối với trung tâm hành chính các xã; hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường đều được xây dựng kiên cố, phù hợp quy hoạch… Tuy nhiên, đối với tiêu chí thành lập quận, huyện mới có 1.040km đạt 9,3km/km2; còn thiếu 99,4km mới đạt chỉ tiêu quận (10km/km2).

Ngoài ra, do khối lượng công việc lớn hoặc vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường hỗ trợ, các dự án hạ tầng khung đi qua nhiều địa bàn xã nên việc kê khai, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập và trình phê duyệt phương án mất nhiều thời gian… dẫn đến một số dự án bị chậm hoặc phải giãn, hoãn tiến độ.

“Phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí quận, huyện tập trung thực hiện những giải pháp: Đề xuất thành phố xem xét, chấp thuận giao huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư các dự án giao thông hạ tầng khung khớp nối, giai đoạn 2021-2025, trong đó dự án nguồn ngân sách thành phố gồm 6 tuyến đường, tổng chiều dài 26km, tổng kinh phí 2.464 tỷ đồng; các dự án nguồn ngân sách huyện gồm 26 tuyến đường, tổng chiều dài 31km, tổng kinh phí 2.333 tỷ đồng; tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trường khớp nối các tuyến giao thông giữa các khu đô thị với khu dân cư và các khu trung tâm xã, thị trấn… Huyện quyết liệt chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khung của huyện…”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền chia sẻ thêm.

Ánh Dương

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/828565/dong-bo-he-thong-ha-tang-hien-dai-van-minh