Tôn vinh bảo vật quốc gia tại Cổ Loa

Trong 27 hiện vật mới được bổ sung vào Danh mục Bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh) là hiện vật gốc và độc bản, chưa từng thấy ở bất cứ đền thờ An Dương Vương nào trên cả nước. Bên cạnh những giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa, pho tượng còn mang sức sống và hơi thở của nghệ thuật truyền thống tiếp nối qua hàng ngàn năm lịch sử, được nhân dân cả nước tôn vinh như một niềm kiêu hãnh, tự hào.

Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú (huyện Đông Anh), là hiện thân của Nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương, với nhiều thành tựu nổi bật về nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim đúc đồng, chế tạo nông cụ. Rất nhiều những dấu tích khảo cổ tại đây cho thấy bằng chứng về sức sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ suốt chiều dài lịch sử, trong đó phải kể đến pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương hay còn gọi là tượng thờ An Dương Vương tại đền Thượng trong khu di tích Cổ Loa.

Tương truyền, đền Thượng được dựng trên nền nội cung của Kinh đô Âu Lạc xưa. Không rõ thời gian đền được khởi dựng là bao giờ, chỉ biết tại đây rất có nhiều hạng mục kiến trúc mang dấu ấn mỹ thuật thời Trần và Lê sơ. Sử sách còn lưu tại đền ghi lại, trong một lần trùng tu vào năm 1893, dân làng Cổ Loa đào được một kho đồng trong khu vực, cho rằng đây là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng Hoàng đế An Dương, an vị tại đền từ năm 1897 để phục vụ việc thờ cúng, tế lễ. Pho tượng được đúc liền khối, mang phong cách nghệ thuật tượng chân dung, với tư thế ngồi uy nghi, đường bệ, đầu đội mũ bình thiên, mình vận long bào, tay cầm hốt, thân đeo đai ngọc và chân đi hài mũi cong…

Đặc biệt, pho tượng mang tính độc bản, thể hiện qua kỹ thuật đúc tượng, hình thức trang trí hoa văn, diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể và phong thái, cốt cách của một vị thần chủ. Cùng với đó, khuôn diện tượng được tạo tác cẩn trọng, theo những quy chuẩn đầy tính biểu tượng của triết học Phật giáo, vừa soi rọi nội tâm, vừa hướng con người tới thiện tâm.

Theo Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy, hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh – biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa “rồng chầu mặt trời”, chính là biểu tượng của vương quyền. Trong khi đó, lối đúc tượng ngồi trên bệ, không trên long ngai lại là một hiện tượng hiếm gặp, thể hiện nhà vua đã hóa thân thành Thần Phật. Ngoài nghệ thuật tạo tượng mang phong cách chân dung, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương còn vương vấn những yếu tố của tinh thần Phật – Đạo, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi vừa linh thiêng, trong mối giao hòa giữa đạo và đời.

Không chỉ có vậy, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn, đã hội tụ hài hòa giữa nghệ thuật tạc tượng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đúc tượng truyền thống, tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền lưu dấu sự hiện diện của Kinh đô Âu Lạc.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương hội tụ đầy đủ các giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước. Giá trị lịch sử của hiện vật chính là việc pho tượng là hiện thân của vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc. Giá trị văn hóa của hiện vật lại gắn với Lễ hội Bát xã Loa thành, một lễ hội mang tính biểu tượng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn giá trị khoa học của pho tượng thể hiện ở việc phản ánh kỹ thuật luyện kim đúc đồng thủ công truyền thống của người Việt với các công đoạn, quy trình tỷ mỉ, phức tạp…

“Việc pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương được ghi danh vào Danh mục Bảo vật quốc gia sẽ nhân lên niềm tự hào, nhắc nhớ ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc”, ông Nguyễn Thanh Quang nói.

 

Nguyễn Thanh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/828647/ton-vinh-bao-vat-quoc-gia-tai-co-loa