Nghề bông ở Trát Cầu không biết có tự bao giờ. Hiện ở Miếu Trát Cầu có một ban thờ thờ ông tổ nghề bông. Nghe các cụ cao niên kể lại: Từ xưa Trát Cầu làm bông có mấy tháng mùa đông, mùa hè rồi lại làm nghề thêu. Người dân Trát Cầu rất chịu khó và thông minh năng động, họ còn vác dụng cụ đi bật bông khắp các tỉnh ở miền Bắc, đến tận nhà khách hàng bật lại chăn bông cũ hoặc làm mới.
Là con nhà nòi, trong nghề làm bông, đệm, chăn, nghệ nhân Trần Văn Vinh (sinh năm 1955) – con trai thứ tư của nghệ nhân Trần Văn Khay – một trong những người thợ giỏi của làng bông Trát Cầu. Thời kỳ Pháp thuộc, cụ đã làm chăn, gối, đệm cho các khách sạn ở Hà Nội. Cụ là người sáng lập ra HTX Đồng Tiến đầu tiên của người Trát Cầu ở Hà Nội và may những lõi áo bông trấn thủ, những chăn bông gọn nhẹ cho bộ đội.
Những ngày cuối năm, mặc dù bận với công việc truyền thống của mình, nhưng nghệ nhân Trần Văn Vinh vẫn dành cho chúng tôi một buổi để chia sẻ về chuyện nghề. Ông Vinh chia sẻ: “Trong trí nhớ của tôi, thời điểm bố tôi làm cho khách sạn Sofitel Legend Metropole của Pháp và những người giàu của Hà Nội, ông được khách hàng đánh giá cao về tay nghề làm chăn, gối, đệm bông theo phương pháp truyền thống. “Ngày trước, cứ đến mùa hè, hầu hết các gia đình ở Hà Nội đều mang bông cũ đi bật lại để có được chiếc chăn ấm cho mùa đông”, ông nói.
Nhấp ngụm trà nhỏ, ông kể tiếp: Hồi còn nhỏ thì vẫn theo cha làm nghề, nhưng đến khi lớn lên, tham gia lực lượng vũ trang, sau khi giải ngũ, tôi chuyển sang học thêm nghề may nhằm nâng cao chất lượng cho sản phẩm bông,… rồi lại bén duyên với nghề may. Dù rất xót xa với nghề bông truyền thống nhưng tôi cũng đành “nhắm mắt” làm nghề buôn bán, nghề may để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Từ đó người Trát Cầu không còn ai làm bông thủ công nữa…
Bẵng đi bao nhiêu năm, dù làm công chức hay buôn bán nhưng ngày nào nghệ nhân Trần Văn Vinh cũng đau đáu chuyện làng nghề. “Cho đến một ngày cuối năm 1999, một lần tình cơ nghe đài, thông tin Nhà nước có chủ trương phục hồi các làng nghề truyền thống, ngọn lửa nghề thôi thúc, khiến tôi quay lại với nghề bông truyền thống của làng”, nghệ nhân Vinh nhớ lại.
Ông Vinh chia sẻ, chăn bông xơ có đặc tính kỳ lạ. Được ví như cái điều hòa của thiên nhiên, người dùng cảm nhận ấm chứ không nóng. Sản phẩm tự thiết kế và sản xuất, tốt cho sức khỏe của mọi người, hoàn toàn khác biệt với thị trường và được khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao.
Hiện nay các sản phẩm bông, chăn hay đệm… không chỉ là các sản phẩm sử dụng thông thường, nghệ nhân Trần Văn Vinh đã nâng tầm thành các tác phẩm nghệ thuật, với những câu chuyện kèm theo đó.
Để ra được sản phẩm, nghe câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản. Lên thiết kế, phối màu, đưa họa tiết, ghép lại thành vỏ, khâu cửa, nhồi bông và đóng nút là khâu cuối cùng. Trong đó, công đoạn đóng nút phải thực hiện bằng tay. Có những tác phẩm được làm một cách rất tình cờ, đến từ một giấc mơ. Nhưng có những tác phẩm phải suy nghĩ, trăn trở lâu mới thành.
Say sưa kể về ý nghĩa của từng sản phẩm: Hoa rừng, nhân quả, núi rừng tây bắc, mùa vàng bất tận, vườn sau nhà tôi, gót son, đường làng tôi…. Ông kể: “Thấm nhuần câu nói của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh về người làm nghề – Người nghệ nhân phải hiểu được nghề của mình đi theo văn hóa nào và phục dựng đưa vào tác phẩm của mình” từ đó, tôi đã bám sát và đưa văn hóa dân tộc vào các thiết kế. Các họa tiết từ núi rừng Tây Bắc, pha cắt với thiết kế màu sắc gồm: Đỏ đen, vàng nâu, xanh cốm, tôi kỳ vọng những tác phẩm của mình sẽ góp phần lan tỏa văn hóa của người Việt Nam”.
Lấy ý tưởng từ bộ tranh Đông Hồ “Chăn trâu, thổi sáo” và “Chăn trâu, thả diều”, ông Vinh cho hay: “Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi gặp mấy nghệ nhân tranh Đông Hồ tại triển lãm, tuy nhiên, từ ý tưởng đến khi thành một sản phẩm tôi phải mất 4-5 năm”. Thiết kế như thế nào để cho ra được sản phẩm mà thể hiện được đúng ý tưởng của mình? Những câu hỏi cứ theo ông cả vào giấc ngủ. Rồi sản phẩm ra đời một cách rất tình cờ. Tưởng sản phẩm hỏng mà lại thành công. Ông kể, trong nghệ thuật đấy được gọi là “bóp ảnh”. Tác phẩm Gối lá sen ra đời một cách tình rất tình như thế….
Tham vọng của nghệ nhân Vinh là có thể mở những lớp, trường dạy nghề làm bông cho người Việt Nam, để mỗi huyện của các tỉnh, thành đều có những cơ sở làm bông, làm chăn thủ công phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, làm hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch. Khi làng nghề thực sự phát triển sẽ cung cấp việc làm cho người lao động nông nhàn, phát triển được cả du lịch và tiêu thụ sản phẩm.
Để ghi nhận những cố gắng không mệt mỏi của Nghệ nhân Trần Văn Vinh, năm 1999 ông được nhận Giải thưởng “Bàn tay vàng”; Năm 2005, được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”; Năm 2001 được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội – Nghề khâu may bông nghệ thuật”.
Thùy Linh/CP