Theo Hiệp định Paris, từ năm 1973, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước bị địch bắt, tù đày đã được trở về với cách mạng, với nhân dân trong niềm vui chiến thắng. Để góp phần mở ra những cánh cửa ngục tù tăm tối ấy là xương máu, nước mắt của một dân tộc phải ra trận; là sự mất mát, hy sinh của biết bao chiến sĩ kiên trung trong lao tù.
Từ nhiều nhà tù, trại giam, các chiến sĩ được đưa đến các địa điểm trao trả dưới sự giám sát của Ban Liên hợp Quân sự bốn bên và các giám sát viên quốc tế. Hàng nghìn chiến sĩ đã được trao trả cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong nhiều đợt.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách. |
Năm 1973, bên dòng Thạch Hãn, cờ giải phóng tung bay từ đằng xa, thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng trở về đã đến. Xúc động trào dâng, khi chưa đến nơi, những người tù đã lao mình xuống sông để ùa vào vòng tay yêu thương của đồng đội đón chào. Dẫu thân thể không còn lành lặn, nhiều chiến sĩ vẫn giương cao khẩu hiệu, hát vang các bài ca cách mạng.
Tại điểm trao trả ở sân bay Lộc Ninh, các chiến sĩ trở về trong niềm vui khôn xiết, hô vang khẩu hiệu cách mạng, phấn khởi kể chuyện đấu tranh thắng lợi trong nhà tù của địch. Hàng nghìn đồng bào Lộc Ninh cầm cờ, hoa hân hoan đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về.
Triển lãm chuyên đề bao gồm 3 nội dung: “Mở cửa ngục tù”, “Ngày chiến thắng trở về” và “Viết tiếp bản hùng ca”.
Phần “Mở cửa ngục tù”, sau năm 1954, hệ thống nhà tù, trại giam được đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập khắp miền Nam. Sáu nhà tù, trại giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” lớn nhất miền Nam là: Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Thủ Đức. Tại đây, nhiều thủ đoạn tàn khốc đã được áp dụng nhằm đày ải về thể xác, tinh thần tù nhân. Kiên cường đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Phần thứ hai “Ngày chiến thắng trở về”, với nhiều pano thể hiện nội dung thực hiện Hiệp định Paris, các cuộc trao trả tù binh, tù chính trị giữa ta và địch được triển khai từ tháng 2/1973. Các cuộc trao trả diễn ra nhiều đợt tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Phần cuối “Viết tiếp bản hùng ca” khẳng định, sau ngày chiến thắng trở về, vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh, tù chính trị vẫn vươn lên trong quá trình học tập, công tác với nỗ lực bền bỉ. Luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại nơi “địa ngục trần gian” năm xưa, những người tù đã phối hợp với lực lượng vũ trang của địa phương tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi các bạn tù có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2008, sau những đợt khai quật, hơn 1.300 hài cốt của các liệt sỹ tù binh Phú Quốc đã được tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc tổ chức an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc. Hàng năm, Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội tổ chức các cuộc gặp mặt, tri ân các cựu tù chính trị, cựu tù binh. Vào các năm chẵn nhân kỷ niệm ngày chiến thắng trở về, những cựu tù binh đã trở lại thăm “Địa ngục trần gian” Phú Quốc năm xưa, cùng các bạn tù ôn lại những kỷ niệm của một thời đấu tranh gian khổ, hào hùng không thể nào quên.
Chiến tranh và quá khứ đau thương đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa bi hùng vẫn sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí của những người chiến sĩ năm xưa. Càng trân quý hơn, khi chính những người chiến sĩ dù ở nơi địa ngục trần gian hay trong cuộc sống đời thường hôm nay, vẫn là những chiến sĩ kiên trung, bất khuất, tình nghĩa thủy chung.
Sau ngày chiến thắng trở về, vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh, tù chính trị vẫn vươn lên trong quá trình học tập, công tác với nỗ lực bền bỉ. Triển lãm “Phút hồi sinh” gợi nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày chiến thắng trở về, để thế hệ sau càng thêm thấu hiểu và tri ân công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày; để càng thêm trân quý giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay.