Những năm qua, bên cạnh các loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách.
Thực tế, Hà Nội có không ít những vùng đất giàu truyền thống, đã và đang tự hào với những tinh hoa làng nghề còn truyền lưu, trong đó có thể kể đến làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín). Đây là một trong những làng chuyên chế tác tượng và đồ thờ nổi tiếng. Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền đã tạo nên nhiều sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Hà Nội nổi tiếng là “vùng đất trăm nghề”. |
Ông Nguyễn Văn Trúc (Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền) cho biết, điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” ở Nhân Hiền. Ở khoảng thế kỷ XVIII, XIX, tay nghề của những người thợ đã vang xa; có nhiều nghệ nhân giỏi được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm… Một số nghệ nhân được triều đình Huế tấn phong chức “Cửu phẩm”. Ở làng, có nhiều “bàn tay vàng” nức tiếng như cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình… thế hệ kế tiếp có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Minh Phú, riêng lớp người trẻ nối nghề thì có anh Hoàng Văn Kế… Chính bởi đặc thù nghề điêu khắc theo trường phái cung đình nên người thợ ở Nhân Hiền chú trọng tới các chi tiết tinh xảo, hướng vào thần thái chứ không chỉ tạc tượng đơn thuần như các làng nghề khác. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, người thợ Nhân Hiền còn linh hoạt chuyển từ điêu khắc mộc truyền thống sang đá và các chất liệu khác.
Hay như xã Quất Động (huyện Thường Tín) có thể xem là “cái nôi” của nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam. Theo Nghệ nhân thêu tay Hoàng Thị Khương, người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Từng có thời điểm nghề thịnh đến mức gần như nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới dăm, bảy đời làm nghề này.
Thêu tay cũng có nhiều kỹ thuật phức tạp, công phu hơn cả là việc thực hiện thêu các đường lượn, đường viền, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng… Tùy đề tài, chủng loại mà sản phẩm thêu sẽ có ít hay nhiều màu sắc. Họa tiết trong mỗi sản phẩm thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, lan, đào, hải đường, mẫu đơn, ong, bướm, rồng phượng, hổ báo, rùa hạc, oanh, yến… cùng cảnh dân dã như đàn gà, vịt, lợn, bò; người làm đồng, cấy cày, sàng sảy, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền; danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái… Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính dân gian, nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu đối với non sông, đất nước.
Tự hào với nghề song theo nghệ nhân Hoàng Thị Khương, tiềm năng nghề vẫn chưa được khai phá hết. Mức sống của người làm nghề vẫn còn bấp bênh. Để du khách gần xa biết nhiều hơn đến nghề, Nghệ nhân Hoàng Thị Khương luôn ấp ủ sẽ mở phòng triển lãm những bức tranh thêu tay đẹp đẽ và công phu nhất, từ đó thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.
Để không chỉ mãi là tiềm năng
Các làng nghề của Hà Nội ngày càng hấp dẫn khách du lịch bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Một số địa phương đã khai thác thành công những giá trị văn hóa – kinh tế – xã hội của làng nghề để gắn với phát triển du lịch. Chẳng hạn như làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp, nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Trải qua trên nghìn năm tuổi, người dân Vạn Phúc vẫn miệt mài với nghề canh cửi. Làng nghề có những nghệ nhân, thợ kỹ thuật giỏi đã sáng tạo ra các mẫu hoa văn mang đậm nét các giá trị văn hoá – lịch sử, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Hiện, nhờ sự khai thác khéo léo tiềm năng du lịch, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, địa phương quản lý như phường Vạn Phúc và quận Hà Đông đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm… Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, dù tự hào về nghề truyền thống nhưng những trường hợp phải loay hoay, tự tìm hướng quảng bá, giới thiệu nghề và làng nghề không phải là hiếm. Không khó để thấy phát triển du lịch làng nghề còn là câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách. Những tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm không đa dạng, thiếu sức sáng tạo, chưa bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển du lịch… nên du lịch làng nghề của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng…
Để khơi gợi tiềm năng du lịch không thể để làng nghề “tự bơi” theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Thay vào đó, chính quyền cơ sở phải phối hợp với các ngành thực hiện bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng các sản phẩm làng nghề mang tính độc đáo; phải nhận thức phát triển du lịch làng nghề là phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, cải thiện mức sống. Chính quyền cơ sở muốn làng nghề phát triển trở thành một sản phẩm du lịch phải kêu gọi đầu tư, vận động các thành phần kinh tế tham gia theo phương châm xã hội hóa sản phẩm du lịch; xây dựng đội ngũ làm công tác du lịch bằng cách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; ban hành, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, hỗ trợ họ về các dịch vụ phục vụ du lịch như làm đường, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường sạch đẹp…