Giữ phố “hàng” nơi phố cổ Hà Nội

Việc chuyển đổi cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu văn hóa, thương mại quốc tế đã khiến một số hộ dân kinh doanh trên các phố cổ của phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chuyển đổi, thay thế dần mặt hàng từ sản phẩm nghề thủ công truyền thống sang các sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường. Nghề thủ công truyền thống lâu đời ở khu phố cổ vẫn còn được một số ít người gìn giữ, phát triển, gắn với đặc trưng tên gọi của phố “hàng”.

“Phố hàng” không còn “vừa sản xuất vừa kinh doanh”

Phường Hàng Gai là một trong 10 phường thuộc phố cổ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), toàn phường hiện có gần 500 hộ kinh doanh với nhiều ngành nghề thương mại – dịch vụ – du lịch xen kẽ trên 9 tuyến phố, 2 ngõ. Đặc biệt, những ngành nghề truyền thống thủ công lâu đời vẫn còn gìn giữ như: hàng tơ, lụa, thêu, may quần áo lễ hội, gò hàn tôn thiếc, gương kính… Trong đó có những ngành nghề truyền thống thủ công phát triển thịnh vượng.

Có những dòng họ xây dựng nên thương hiệu uy tín kể từ những thập niên trước và sau năm 1950, như ở phố Hàng Nón, Hàng Quạt có cửa hàng “Thọ Ninh – 6 Hàng Nón”, “Thọ Xương – 18 Hàng Quạt”, “Thọ Minh – 80 Hàng Quạt”, “Thọ Hưng Thành – 10 Hàng Nón”; sản phẩm như y phục áo tượng, trang phục thêu hầu đồng, quần áo lễ hội truyền thống, nghi môn, nón quai thao, mũ áo triều phục thương hiệu “Tân Mỹ”, “Lê Minh”; sản phẩm hàng tơ, lụa…

Giữ “phố hàng” cho phố cổ Hàng Gai
Phố Hàng Thiếc vẫn còn nhiều gia đình giữ được nghề truyền thống gò hàn tôn. (Ảnh: Bảo Thoa)

Ông Nguyễn Mạnh Linh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai cho biết, giai đoạn những năm 1960 – 1980, đất nước khó khăn và đang trong thời kỳ bao cấp, những mặt hàng này không được duy trì do những yếu tố khách quan, do vậy, chủ yếu còn lại những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống như gò hàn tôn phố Hàng Thiếc, gương kính Hàng Nón – Hàng Thiếc, đồ gỗ phố Tô Tịch – Hàng Quạt.

Thời kỳ Đổi mới cuối thập niên năm 1980 – 1990, việc chuyển đổi cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu văn hóa, thương mại quốc tế đã tạo ra cơ hội, tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội địa phương và nhiều hộ dân cư, đặc biệt là các cá nhân, đã đón bắt xu thế phát triển của khu đô thị trung tâm thuộc khu phố cổ…

Vì vậy, một số hộ dân kinh doanh đã chuyển đổi, mở rộng, thay thế dần mặt hàng, từ sản phẩm nghề thủ công truyền thống sang các sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng như: Đồ thờ sành sứ Trung Quốc, mỹ phẩm, tranh hội họa…

Đồng thời, khách sạn, nhà hàng được đầu tư xây dựng mở rộng trên các tuyến phố của phường… nên lưu lượng người qua lại địa bàn, tham gia vào thị trường du lịch – mua sắm tăng lên, trong đó có số lượng đáng kể khách nội địa cũng như du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống lâu đời ở khu phố cổ vẫn còn được một số ít người dân tiếp tục gìn giữ, phát triển, gắn với đặc trưng tên gọi của phố “Hàng”, như nhiều thế đã làm từ xưa đến nay, đúng tính chất “vừa làm sản phẩm vừa kinh doanh”, “Buôn có bạn, bán có phường”; tuy không còn tấp nập như xa xưa.

Còn lại, đa số các hộ dân của phường, trong đó có cả người nơi khác đến thuê cửa hàng kinh doanh mặt hàng thủ công truyền thống nhưng lấy nguồn hàng nơi khác. Cửa hàng của họ là để giới thiệu giao dịch buôn bán sản phẩm phục vụ thị trường người tiêu dùng nội địa, chứ không còn đặc điểm vừa sản xuất, vừa kinh doanh” như trước.

Giữ “phố hàng” cho phố cổ Hàng Gai
Một số hộ dân kinh doanh đã chuyển đổi, mở rộng, thay thế dần mặt hàng, từ sản phẩm nghề thủ công truyền thống sang các sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. (Ảnh: Bảo Thoa)

Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân như: Đất chật người đông; việc sản xuất đồ gia dụng như gò hàn tôn thiếc, hay mành đan tre nứa, thực hiện ở cửa hàng nhỏ, kinh doanh kết hợp với sinh hoạt gia đình, khiến nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị…

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng thay đổi, như chuyển từ mành đan tre, nứa sang vải rèm, bạt nhựa; vật dụng gia đình tôn sắt thay bằng đồ nhựa; thêu tay chuyển sang thêu máy công nghiệp… Đồng thời, kinh tế thị trường mở cửa cho những sản phẩm truyền thống đã được nhiều nơi khác kinh doanh có điều kiện thâm nhập vào phường Hàng Gai.

Xây dựng tuyến phố chuyên doanh, phố nghề

Thực hiện Đề án “Xây dựng tuyến phố chuyên doanh, phố nghề”, nhiều năm qua, phường Hàng Gai đã duy trì các mô hình hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch trên địa bàn phường đối với ngành nghề thủ công truyền thống, tập trung vào những nội dung trọng điểm như: Tuyên truyền, quảng bá ngành nghề thủ công truyền thống; thực hiện nếp ứng xử, giao tiếp văn minh trong kinh doanh; tự giác, tự nguyện thực hiện bài trí cửa hàng, cửa hiệu với những mặt hàng có chọn lựa, nâng cao chất lượng mặt hàng; bán hàng đảm bảo niêm yết giá; nhân viên bán hàng có trình độ ngoại ngữ, kiến thức trong giao tiếp, ứng xử văn minh.

Đồng thời, phường cũng động viên khuyến khích những hộ dân kết hợp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống tiếp tục gìn giữ, phát huy nghề truyền thống vốn có, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị của chúng, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế hộ dân, như: Phố Hàng Gai với hàng tơ, lụa; phố Hàng Thiếc với nghề kính, gò hàn tôn thiếc; phố Hàng Quạt – Hàng Nón với trang phục lễ hội dân tộc, hát văn, hầu đồng, hay nhạc cụ dân tộc…

Giữ “phố hàng” cho phố cổ Hàng Gai
Cần gắn biển thương hiệu tuyến phố và logo cho các cửa hàng để tạo nên thương hiệu cho mỗi con phố, từng cửa hàng, và đưa vào các tour du lịch mang tính chuyên nghiệp. (Ảnh: Bảo Thoa)

Năm 2001, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã lựa chọn tuyến phố Hàng Gai – Hàng Bông làm điểm xây dựng tuyến phố Văn minh đô thị, đến nay việc này vẫn được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chỉ đạo và phường Hàng Gai duy trì thực hiện tốt, được các tầng lớp nhân dân đồng tình.

Điều này góp phần khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống, bảo tồn giá trị khu phố cổ gắn với làng nghề truyền thống và đảm bảo cho phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả, cải thiện điều kiện sống cho người dân trên địa bàn phường.

Việc xây dựng duy trì bảo tồn phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể là ngành nghề thủ công truyền thống trong những năm qua trên địa bàn phường Hàng Gai, đến nay cho thấy một số kết quả khả quan, tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo phường, nâng cao hiệu quả phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch.

Tuy nhiên, việc kinh doanh trên tuyến phố vẫn còn hạn chế như: còn tồn tại một số ít cửa hàng chưa đảm bảo được tiêu chí “văn minh thương mại”; nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm truyền thống chưa được chú trọng trong việc tuyên truyền và quảng bá giới thiệu; người bán hàng chưa đủ trình độ ngoại ngữ để giao tiếp; sản phẩm chưa thu hút được nhiều đối tượng khách du lịch. Điều này đòi hỏi sự chung tay từ các cấp chính quyền đến người dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn phường.

Giữ “phố hàng” cho phố cổ Hàng Gai
Quận Hoàn Kiếm có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế khi thăm khu phố cổ. (Ảnh: Bảo Thoa)

Để tiếp tục thực hiện và phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc, cảnh quan đô thị, di tích lịch sử của khu phố cổ và các ngành nghề thủ công truyền thống thuộc quận Hoàn Kiếm theo Đề án số 21 của Quận ủy Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai đã đưa ra những kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền và các ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức gắn biển thương hiệu tuyến phố và logo cho các cửa hàng để tạo nên thương hiệu cho mỗi con phố, từng cửa hàng, và đưa vào các tour du lịch mang tính chuyên nghiệp;

Tổ chức các lớp bổ túc kiến thức về kinh doanh, văn minh thương mại, giới thiệu sản phẩm và giao tiếp ứng xử, cho những hộ kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ấn tượng về dịch vụ chuyên nghiệp cho du khách, nhất là khách nước ngoài. Tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc hàng hóa để chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, nhằm tạo sự tin tưởng của du khách về chất lượng, đồng thời quảng bá được sản phẩm của Việt Nam.

Xem xét bố trí thêm các điểm giao thông tĩnh đảm bảo phù hợp để phục vụ cho hoạt động dịch vụ, du lịch trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, nhất là tuyến phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm, vào 3 ngày cuối tuần.

Cùng với đó là thực hiện Đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Theo ông Nguyễn Mạnh Linh: “Những năm qua phường Hàng Gai đã cùng với các trường học trên địa bàn phường tổ chức cho học sinh thăm quan và tìm hiểu di tích lịch sử cội nguồn thờ phụng những người có công với đất nước, trong đó di tích Đình thờ tổ nghề trên địa bàn phường.

Do vậy, để hoạt động dịch vụ, du lịch mang tính bền vững, thì đi đôi với việc giới thiệu ngành nghề truyền thống, chúng ta cũng cần giới thiệu luôn cả các điểm di tích văn hóa – lịch sử như Đình thờ tổ nghề”.

Quận Hoàn Kiếm có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế khi thăm khu phố cổ. Nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giới thiệu những giá trị của ngành nghề truyền thống khu phố cổ, tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm luôn là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Bảo Thoa

https://laodongthudo.vn/giu-pho-hang-noi-pho-co-ha-noi-154691.html