Thường Tín nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, có 126 làng cổ. Trên địa bàn huyện có một quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ, với trên 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Nhà thờ Nguyễn Trãi; Văn từ Thượng Phúc…
Gắn liền với di tích là lễ hội. Toàn huyện có 7 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Thường Tín cũng là vùng đất có kho tàng di sản phong phú, trong đó có 129 di sản trong Danh mục Di sản văn hóa, là một trong những huyện có danh mục di sản nhiều nhất thành phố Hà Nội.
Những sản phẩm làm từ sừng Thụy Ứng không chỉ được người dân trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh: Bảo Thoa) |
Nói về nghề, thì Thường Tín là mảnh đất trăm nghề. Toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có khoảng 16 nghìn cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, thu hút khoảng 40 nghìn lao động làm nghề. Huyện có 2 Hiệp hội làng nghề là Sơn mài và Thêu truyền thống; 12 Hội làng nghề, trong đó 1 hội cấp huyện, 11 hội cấp xã. Có 49 làng được vinh danh Làng nghề truyền thống và Làng nghề Hà Nội.
Trong 129 di sản của huyện Thường Tín được ghi trong Danh mục Di sản Văn hóa Hà Nội, có 19 di sản là nghề thủ công truyền thống. Toàn huyện có 35 nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng danh hiệu, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú và 27 nghệ nhân Hà Nội.
Thường Tín có nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ sớm và gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay. Các làng nghề của Thường Tín có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như bánh dày Quán Gánh, thêu Thắng Lợi, thêu Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền… nổi tiếng trong và ngoài Hà Nội.
Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng nghề sơn mài Hạ Thái được vinh danh làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố và được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là “Điểm du lịch làng nghề” năm 2019. Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề lược sừng Thụy Ứng và đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm cũng được công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”.
Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Thường Tín có sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân, thợ lành nghề qua nhiều thế hệ; chúng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người Thượng Phúc, người Thường Tín từ xưa đến nay.
Do đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của các làng nghề truyền thống của huyện vừa khơi dậy và lan tỏa sức sáng tạo, vừa góp phần hình thành thương hiệu riêng.
Những người thợ thêu Quất Động bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động tô đẹp cho đời. (Ảnh: Phạm Thảo) |
Chính vì vậy, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển du lịch; du khách khi đến với làng nghề Thường Tín vừa có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, được trải nghiệm một vài công đoạn sản xuất, vừa có thể mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.
Các làng nghề trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân và đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tìm chỗ đứng cho nghề truyền thống
Tại buổi tọa đàm về Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển, ông Bùi Công Thản – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cho biết, những năm qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm phát triển nghề nói chung, công tác duy trì và phát triển nghề truyền thống nói riêng; đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn.
Hằng năm, huyện dành một phần kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo, nhân cấy nghề cho lao động, nhất là lao động trẻ, lao động tại các xã vùng sâu…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Bùi Công Thản, công tác phát triển nghề và làng nghề trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn. Nguồn nguyên liệu không ổn định, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm; do thị trường biến động nên một số nghề truyền thống không phát triển…
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống.
Huyện Thường Tín nổi tiếng với bánh dày Quán Gánh. (Ảnh: Đinh Luyện) |
“Việc Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được nhân dân Thủ đô, trong đó có người dân Thường Tín phấn khởi và kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thành phố. Trong xu thế đó, làng nghề truyền thống với nhiều ưu thế nổi bật đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô”, ông Bùi Công Thản nhấn mạnh.
Đại diện huyện Thường Tín cũng cho rằng, trước xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo của người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.
Cùng với đó là rà soát các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế. Có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và làng nghề có giá trị bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống…
Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín đón nhận Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, công nhận Làng nghề mộc Vạn Điểm là điểm du lịch Làng nghề mộc cao cấp. |
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chú trọng công tác quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề, bảo đảm hiệu quả kết hợp giữa các làng nghề truyền thống với du lịch.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho người lao động và các cơ sở sản xuất để tạo ra các sản phẩm phong phú, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Tiếp tục có chính sách chăm lo, hỗ trợ, tôn vinh các thế hệ nghệ nhân làng nghề. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành, nghề nông thôn, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, góp phần giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống và đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Bảo Thoa
Phát huy thế mạnh của vùng đất “trăm nghề” (laodongthudo.vn)