Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam “mở hội”

Nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/2023).

Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (Đường Đội Cấn, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được biết đến là một công trình kiến trúc được giải thưởng Hồ Chí Minh, toạ lạc trên diện tích đất 40.000m2, ngay cạnh dòng sông Cầu thơ mộng.

1.quoc-te-bt-696x464.jpg
Du khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp mà Bảo tàng này còn là một trung tâm văn hoá lớn với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 735 tài liệu khoa học bổ trợ, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được xây dựng theo phương pháp tiến tiến, hiện đại. Các thiết bị tin học điện tử và phần mềm âm thanh đã tái hiện được cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá 54 tộc người, hấp dẫn công chúng tham quan.

2.quoc-te-bt-696x464.jpg
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam góc nghệ thuật phản ánh nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc. (Ảnh: BTCDTVN).

Ngoài phần trưng bày cố định, mỗi năm bảo tàng tiến hành hàng chục cuộc triển lãm lưu động trên địa bàn cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Thông tin từ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) định hướng các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề: “Bảo tàng, Tính bền vững và An sinh” (Museums, Sustainability and Wellbeing), đơn vị sẽ tổ chức một số hoạt động giáo dục, trải nghiệm phục vụ khách tham quan trong thời gian này.

Cụ thể, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức trải nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tìm hiểu và khai thác thông tin văn hóa các dân tộc tại phòng trưng bày số 1 (nhóm ngôn ngữ Việt – Mường) và số 2 (nhóm ngôn ngữ Tày – Thái) khu trưng bày trong nhà Bảo tàng. Đồng thời, đơn vị chiếu phim tư liệu về di sản văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người tại phòng chiếu phim của Bảo tàng từ nay đến hết ngày 18/5/2023.

3.quoc-te-bt-696x877.jpg
Tác phẩm dự thi của một học sinh tại tỉnh Thái Nguyên hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh “Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam”. (Ảnh: BTCDTVN).

Ngoài ra, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức hoạt động “‘Tìm hiểu Bảo tàng và các chương trình giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng” dưới hình thức online. Trưng bày tác phẩm thi vẽ tranh và ảnh với chủ đề: “Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam” từ 16 đến hết ngày 18/5/2023.

Theo TS. Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các hoạt động kể trên tại Bảo tàng nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm và hành động nhiều hơn để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam trong thời đại 4.0. Đồng thời, sự kiện để tôn vinh những giá trị di sản văn hóa đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng, thúc đẩy hơn nữa hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa và sự kết nối giữa Bảo tàng với công chúng, Bảo tàng với nhà trường.

Quỳnh Hoa

https://nguoihanoi.com.vn/bao-tang-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-mo-hoi-71840.html