Luật Thủ đô: tạo đà thúc đẩy đời sống văn hóa – nghệ thuật Hà Nội phát triển

10 năm qua, Luật Thủ đô góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa – lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo.

Theo Điều 11 (Bảo tồn và phát triển văn hóa) Luật Thủ đô, HĐND Thành phố Hà Nội ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí. Chính sách này đã đem tới hiệu quả bởi nhiều công trình văn hóa, công viên, vườn hoa… được cải tạo, xây dựng mới phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân.

image01120230522090024.jpg
Người dân vui chơi thể thao tại Vườn hoa Diên Hồng  (Ảnh: Minh Sơn)

UBND quận Tây Hồ cho biết đến nay đã cải tạo được 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa hồ Trúc Bạch; UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng Vườn hoa Diên Hồng; UBND quận Long Biên đã khởi công cải tạo Vườn hoa Ngọc Lâm. Giai đoạn 2018-2020, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đầu tư cải tạo, nâng cấp một số công viên, vườn hoa bằng nguồn kinh phí của quận. Nhiều công trình đã hoàn thành, có diện mạo cảnh quan đẹp, hiện đại, khang trang… tạo điểm nhấn cho khu vực.

Điển hình, là khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của cộng đồng được chú trọng nhiều hơn. Thảm xanh, thảm hoa mạch lạc, không làm mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Hoàn Kiếm. Diện mạo hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn đổi khác, đẹp, sạch hơn, được người dân, giới chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời, giai đoạn 2019-2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo vườn hoa Tây Sơn, Mê Linh và vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Các vườn hoa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn, cũng như người dân Thủ đô, góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, đồng thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân, du khách ngày một tốt hơn.

thanh-co-loa-2-1024x683.jpg
Thành Cổ Loa là một trong các khu vực, di tích và di sản văn hóa được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo Luật Thủ đô.

Thành phố Hà Nội tập trung xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử địa phương. Việc ban hành, thực hiện hai Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Riêng lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, trước, trong thời điểm Luật Thủ đô đi vào đời sống và hiện nay, các sáng tác văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc… vẫn được các văn nghệ sĩ Hà Nội tiếp tục đầu tư chất xám, thời gian để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị nghệ thuật cao. Văn học Hà Nội những năm gần đây có những tác phẩm đắt giá như tiểu thuyết Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn (nhà văn Nguyễn Bắc Sơn), tập truyện Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ), tập truyện Lãng du (Tạ Duy Anh)… Văn nghệ sĩ Thủ đô cũng “ẵm” nhiều Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, đó là Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, tập truyện ngắn Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê, tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến…

vannghehanoi.jpg

Sách nghiên cứu lý luận có tập biên khảo đồ sộ Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 – 2015 của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tập hồi ức – biên khảo Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954 của tác giả Lê Văn Ba, tập nghiên cứu Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa – tác giả Nguyễn Thị Phương Châm và Đỗ Thị Lan. Đây đều là những cuốn sách giá trị được văn nghệ sĩ Hà Nội “thai nghén” và “hạ sinh” trong lúc Luật Thủ đô đã hòa cùng đời sống nghệ thuật tại mảnh đất Thăng Long.

Lĩnh vực sân khấu, nhiều vở diễn, nghệ sĩ, diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội đã để lại dấu ấn với khán giả và giành giải thưởng cao tại các cuộc thi mang tầm quốc gia. Nhà hát kịch Hà Nội là một điển hình, ngoài việc sáng đèn liên tục biểu diễn phục vụ khán giả những vở diễn đặc sắc, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc gần đây nhất, vở kịch Làng song sinh, Hà thành chính khí của đơn vị đã đạt tổng cộng 5 Huy chương Vàng.

Nhà hát Chèo Hà Nội cũng không thua kém, riêng tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc vừa qua, NSƯT Phương Mây, nghệ sĩ Hồng Vân, Quốc Hưng, Thúy Nga lần lượt giành giải Nhất, Nhì và Triển vọng.

74167146_683998992108481_6374938134030843904_n.jpg
Cảnh trong vở Hà thành chính khí của Nhà hát kịch Hà Nội.

Nhà hát múa rối Thăng Long với những tích trò đậm chất nghệ thuật, không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực cũng luôn tấp nập khán giả (ngoại trừ 2 năm ảnh hưởng do dịch Covid-19), doanh thu biểu diễn mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Không chỉ đưa Hồn Trương Ba, da hàng thịt lên sân khấu múa rối đầy tính sáng tạo, gây tiếng vang, Nhà hát này đã được Trung tâm kỷ lục Châu Á xác lập “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”.

Trong khi đó, Hội Kiến trúc sư Hà Nội với đồ án thiết kế “Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây” công phu và khá hoàn chỉnh, mang tính quy hoạch định hướng cho một thị xã có truyền thống lịch sử văn hóa Xứ Đoài vừa cổ kính vừa hiện đại, cũng được vinh danh. Đồ án góp phần phát triển thị xã Sơn Tây trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, tương xứng với vị trí ở vùng đô thị phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển đô thị trung tâm Hà Nội.

Có thể nói, Luật Thủ đô 10 năm qua đã cho chúng ta chứng kiến sự thay đổi, hòa quyện của những sắc màu văn hóa. Hà Nội cũng đã, đang phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để khẳng định là trung tâm về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Mai Chi

https://nguoihanoi.com.vn/luat-thu-do-tao-da-thuc-day-doi-song-van-hoa-nghe-thuat-ha-noi-phat-trien-74066.html