Trải nghiệm làm nón Chuông tại phố cổ Hà Nội

Ngày 12/8, tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, CLB Đình làng Việt cùng Ban Quản lý Dự án Trường làng trong phố phối hợp tổ chức workshop “Nghiêng vành nón Chuông”. Đây là sự kiện thứ hai, tiếp sau workshop “Hoa cài tre đan” được triển khai trong trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Hè – Thu 2023.

Dựng bối cảnh theo cảm hứng từ không gian trường làng trong vùng quê Bắc Bộ xưa, workshop như một “buổi học”, “buổi trao đổi” hướng dẫn – trò chuyện giữa nghệ nhân và người tham dự. Tại đây, trong vai trò dẫn dắt, hai mẹ con nghệ nhân Lê Thị Phương và Lê Thị Hoa đến từ làng nghề làm nón Chuông  (huyện Thanh Oai, Hà Nội) sẽ giúp công chúng được trải nghiệm nghề làm nón qua 3 phần chính của workshop:

Phần 1 mang tên “Nón kể chuyện làng”, nghệ nhân giới thiệu tới người tham dự quá trình hình thành và phát triển của nón lá truyền thống và nghề làm nón lá làng Chuông. Chuyện kể lấy bối cảnh làng Chuông từng rực rỡ thế nào ở các thế kỉ trước. Sau đó người tham dự sẽ được tham quan không gian trưng bày “Nón làng Chuông” để thấy được sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm kết hợp kể các câu chuyện về chức năng của từng loại nón.

non-chuong-1.jpg
Các bạn trẻ trải nghiệm các công đoạn làm nón cùng nghệ nhân Lê Thị Phương.

Phần 2 mang tên “Kết vành thêu hoa”, nghệ nhân hướng dẫn người tham dự những công đoạn làm nón từ tổng quan cách thức thực hiện đến các bước chi tiết từ bứt vòng tạo khung cho nón, chụp lớp lá mặt trong, chụp lớp mo ở giữa và lớp lá mặt ngoài, khâu cố định khung nón và các lớp lá, trang trí viền nón. Cùng với việc giảng giải vai trò của mỗi công đoạn trong quá trình làm nón, nghệ nhân còn kết hợp thao diễn và kể kể các câu chuyện làng, chuyện nghề ngay từ khi người tham gia bắt đầu đan sản phẩm.

non-chuong-4.jpg
Nghệ nhân Lê Thị Hoa hướng dẫn các bạn nhỏ cách bứt vòng tạo khung cho nón.
non-1.jpg
Say sưa kết vành nón Chuông.

Phần 3 mang tên “Buộc quai tơ hồng”, nghệ nhân cùng người tham dự hoàn thiện sản phẩm. Ban tổ chức chuẩn bị sẵn quai đeo cùng màu vẽ để người tham dự có thể thỏa sức sáng tạo trên sản phẩm. Các tác phẩm tiêu biểu đã được chọn vinh danh/ trưng bày.

non-2.jpg
 Buộc quai tơ hồng sau khi sản phẩm nón đã hoàn thiện. 

Chia sẻ về workshop, chị Đặng Phương Linh – đại diện Dự án Trường làng trong phố cho hay, trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, những làng nghề truyền thống cũng đang dần chuyển mình và thay đổi, song vẫn còn nhiều trở ngại trong việc tiếp cận đến cư dân nội thành, bởi hầu hết các làng nghề hiện nay đang nằm ở ngoại thành Hà Nội.

“Dự án mong muốn trở thành cầu nối và quảng bá, giúp làng nghề truyền thống tiếp cận gần hơn với lớp trẻ qua những hình thức truyền thông hiện đại. Bên cạnh đó, việc tổ chức chuỗi hoạt động tại đình Kim Ngân – Hàng Bạc, Hà Nội, nơi thờ cúng ông tổ của trăm nghề cũng là hình thức tôn vinh, quảng bá làng nghề truyền thống và nét đẹp văn hóa dân gian. Tại địa điểm này, dự án cũng như làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn với giới trẻ, khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó góp phần quảng bá du lịch phố cổ Hà Nội gắn với làng nghề truyền thống”, chị Đặng Phương Linh chia sẻ./.

Dự án Trường làng trong phố là dự án phi lợi nhuận hướng tới việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề truyền thống Việt Nam do một nhóm các bạn trẻ đến từ các trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội thực hiện. Dự án đã vượt qua hơn 100 đề án trên toàn quốc, xuất sắc giành vị trí trong Top 3 tại Cuộc thi Sáng kiến Ý tưởng Xã hội Tôi 20 – Twenties mùa 10 vào tháng 4/2023.

Thụy Phương

https://nguoihanoi.vn/trai-nghiem-lam-non-chuong-tai-pho-co-ha-noi-74886.html