Kiến nghị cho phép Hà Nội ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách thành phố, so với Trung ương là ở mức độ rất cao.

Mua sắm trang thiết bị giáo dục chậm so với kế hoạch và nhu cầu

Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại phiên giải trình, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) đã đặt câu hỏi về thực trạng khó khăn vướng mắc trong việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học công lập và giải pháp tháo gỡ vấn đề này?

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách Thành phố, so với Trung ương là ở mức độ rất cao.

Kiến nghị cho phép Hà Nội ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách Thành phố.

Kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy và học hàng năm được bố trí đầy đủ với các cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; với cấp quận, huyện bình quân hàng năm cũng dành 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, các quy định mới đang có sự thay đổi, các trang thiết bị được đề cập ở mức cao hơn. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng chỉ ra 3 nguyên nhân mua sắm trang thiết bị giáo dục chậm so với kế hoạch và nhu cầu thực tế.

Đó là do Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không đồng thời giữa các cấp học; quy định về trang thiết bị tối thiểu áp dụng đồng đều trong cả nước, trong khi mong muốn của phụ huynh và học sinh ở Hà Nội cao hơn; quy trình mua sắm còn khó khăn do thủ tục và thẩm quyền của các trường. Khi giao cho các trường mua sắm thì giáo viên không thông thạo các quy trình dẫn đến khó khăn, vì vậy chưa đạt được lộ trình.

Từ thực tế này, Sở Tài chính Hà Nội đưa ra giải pháp khắc phục là kiến nghị cho Hà Nội ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng, có tính chất dài hạn hơn danh mục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nếu được đồng thuận, Thành phố sẽ rà soát, ban hành danh mục, đầu tư đồng bộ trong vài năm đề có mặt bằng chung về trang thiết bị cho các trường, các khối học…

Về vấn đề sắp xếp tài sản công, ưu tiên cho xây dựng trường học, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố về quản lý sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội (tháng 3/2023), Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã khẩn trương ban hành quyết định phê duyệt đề án và kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay đã phê duyệt, sắp xếp được 10.700/12 nghìn cơ sở (đạt 89%), riêng với giáo dục phê duyệt 3.200 đề án, đạt 95%…

Bên cạnh đó, Sở Tài chính đã tham mưu UBND Thành phố quyết định bàn giao các cơ sở hành chính sự nghiệp chuyển sang xây dựng trường học. Quá trình thực hiện, Sở Tài chính đã xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc theo hướng bất kỳ cơ sở nhà nước nào thuộc khối hành chính, sự nghiệp khi có diện tích đủ xây dựng cơ sở giáo dục công lập thì bàn giao ngay cho chính quyền quận, huyện, thị xã để xây dựng phương án xây trường công lập mà không nhất thiết phải điều chỉnh quy hoạch.

55 dự án khu đô thị không quy hoạch bố trí trường học

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, qua 10 năm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã có 1.362 trường học các cấp được xây mới và cải tạo. Trong đó xây mới 6.776 phòng học và 651 phòng bộ môn, phòng chức năng; cải tạo 14.344 phòng học và 1.115 phòng bộ môn, phòng chức năng.

Kiến nghị cho phép Hà Nội ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng
Ảnh minh họa. Ảnh: P.T

Đáng quan tâm, thiết bị dạy học tối thiểu hiện có của các trường học đa phần cũ, hỏng không đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc mua sắm cần nguồn lực lớn. Việc tổ chức mua sắm hiện nay chậm, muộn, khó khăn trong khâu lựa chọn thiết bị mua sắm nên ảnh hưởng đến tiến độ, giá cả, chất lượng thiết bị mua sắm (nhiều thiết bị không có sẵn trên thị trường hoặc không được sản xuất kịp thời).

Hiện, còn 8 quận nội thành thiếu trường học theo quy định tối thiểu mỗi xã, phường có tối thiểu 1 trường công lập (thiếu 49 trường mầm non, tiểu học, THCS). Quỹ đất dành cho trường học tại các quận rất hạn chế, do vậy việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn quốc gia khó khăn.

Theo quy định, các khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm xây dựng các ô đất trường học theo phương thức xã hội hóa đầu tư hoặc bàn giao cho Thành phố để đầu tư từ nguồn ngân sách.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có 55 dự án không quy hoạch bố trí trường học, 119 dự án có quy hoạch 393 trường học (đã hoàn thành hoặc đang xây dựng 117 trường; chưa triển khai xây dựng 269 trường.)

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, nhu cầu xây dựng trường học các cấp tại các khu đô thị là 76 trường để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu đô thị, khu nhà ở này.

Phương Thảo