Làm rõ hơn nữa về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng thành trung tâm công nghiệp văn hoá

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô xác định hướng phát triển không gian của Hà Nội dựa trên 4 yếu tố cơ bản: Văn hóa, sáng tạo, xanh, thông minh. Trên cơ sở đó, có ý kiến cho rằng các đồ án cần tập trung làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá và thành phố sáng tạo.

Với những nhiệm vụ quan trọng của năm 2023 để tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô, thời gian qua, Hà Nội đang đồng thời phải tập trung đẩy nhanh công tác điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (gọi tắt là điều chỉnh Quy hoạch chung) và thực hiện hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đến nay, những định hướng lớn ban đầu về phát triển không gian và hạ tầng đô thị điều chỉnh Quy hoạch chung đã hình thành và đang được tham vấn ý kiến của các đơn vị, sở ngành, địa phương.

Làm rõ hơn nữa về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng thành trung tâm công nghiệp văn hoá
Cần làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo.

Thông tin về tiến độ, ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội cho hay, trong 22 tháng triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức và chủ trì tổ chức hàng trăm hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý. Các sở, ngành, quận, huyện cũng đã rất chủ động phối hợp với Viện và tư vấn đề xuất nội dung thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương.

Nhờ vậy, mặc dù thời gian chưa nhiều nhưng đã có dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô hơn 1.000 trang, gửi xin ý kiến các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đây là bước xin ý kiến rộng rãi về quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển Thủ đô; phương án phát triển của ngành, lĩnh vực; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; danh mục các dự án ưu tiên của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách.

Tại hội nghị báo cáo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, đại diện liên danh tư vấn lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô trình bày những nội dung chủ yếu của 2 dự thảo đồ án quy hoạch.

Theo đó, về những định hướng lớn của Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua phân tích tiềm năng, đặc thù, thực trạng và những điểm nghẽn trong phát triển thời gian qua, Liên danh tư vấn đã đề xuất định hướng quy hoạch gồm 5 quan điểm phát triển, 4 khâu đột phá, 3 kịch bản phát triển kinh tế; 5 trụ cột phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế – xã hội Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế – xã hội, 5 không gian phát triển, 5 vùng đô thị, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực.

Đối với những định hướng cơ bản của đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, KTS Lê Hoàng Phương – Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho biết, để cụ thể hóa tính chất, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô, đồ án đã xác định trong định hướng phát triển không gian dựa trên 4 yếu tố cơ bản: Văn hóa, sáng tạo, xanh, thông minh. Trong đó, Hà Nội có 4 tiểu vùng văn hóa chính; tái thiết khu vực nội đô lịch sử, tạo ra các khu vực sáng tạo; khôi phục hệ sinh thái dòng chảy tự nhiên xanh hoá nội đô, tái cấu trúc đô thị tăng tỷ lệ đất xanh; cấu trúc đô thị thông minh theo mô hình TOD…

Đóng góp vào nội dung hai đồ án quy hoạch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân nêu liên danh tư vấn cần lưu ý dự báo quy mô dân số, trong đó có tính đến dân số vãng lai. Liên quan đến vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2030, con số được xác định hơn 11 triệu tỷ đồng là số vốn rất lớn, cần xem xét về tính khả thi. Ngoài ra, kịch bản tăng trưởng kinh tế Hà Nội 8-8,5% cũng cần được đánh giá kỹ để tới đây có giải pháp, chương trình hành động.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Đình Hồng bày tỏ mong muốn các đơn vị tư vấn lập hai Đồ án Quy hoạch nghiên cứu sâu thêm về Nghị quyết 12 của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong đó có phần phụ lục đề cập rõ đến phát triển văn hóa.

Đề cập đến một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao mong muốn các dự thảo đồ án tập trung làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá và thành phố sáng tạo. Đồng thời trong xác định văn hoá trở thành nguồn lực mới của Thủ đô cần lưu ý các nguồn lực về con người, tài nguyên về di sản văn hoá; thiết chế văn hoá và thể thao và những vị thế đặc biệt của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh mong muốn các đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm hướng phát triển thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng tại vùng văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài. Lấy Sơn Tây, Phúc Thọ và Ba Vì làm trung tâm, tạo cực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa; Bổ sung hướng quy hoạch điểm du lịch quốc gia với hồ Đồng Mô, hồ lớn nhất của Hà Nội, cũng như mở rộng hai đầu kết nối đường 416, trục liên kết ngang quan trọng của 3 huyện và thị xã…

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, hai đồ án quy hoạch đã đi đến bước hoàn thiện phương án cuối cùng báo cáo cấp thẩm quyền. Sở cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nỗ lực bảo đảm tính thống nhất của hai đồ án trong quá trình nghiên cứu.

Trong tháng 11 tới, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố và Hội đồng nhân dân Thành phố.

P.Ngân