Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, đây là Tọa đàm nhằm góp ý kiến xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đầu tiên với chủ đề tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, dù trong quá trình xây dựng Luật đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo tham khảo ý kiến. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, đại sứ, nguyên đại sứ, các nhà ngoại giao…
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Luật Thủ đô là một đạo luật đặc biệt. |
Theo ông Lê Hồng Sơn, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Thực tế cho thấy, qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng; Quản lý sử dụng đất đai; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường,…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Việc chưa có quy định về áp dụng Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành…
Toàn cảnh Tọa đàm |
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể.
“Không phải giao quyền cho Thủ đô để Thủ đô được hưởng lợi gì cả, mà để Thủ đô hoàn thành sứ mệnh, chức năng là Thủ đô của của nước. Trong Luật không chỉ có cơ chế thuận lợi cho Hà Nội mà cũng giao cho Hà Nội trách nhiệm rất nặng nề, Luật cũng có rất nhiều chế tài yêu cầu Thủ đô phải thực hiện”, ông Sơn nói, đồng thời nêu rõ, lần này Luật Thủ đô sửa đổi toàn diện, nhằm chọn ra cơ chế vượt trội, khác biệt, nhưng chính sách phải thật sự phù hợp, khả thi để Thủ đô giải quyết được các vấn đề đang bức xúc hiện nay.
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Dân chủ, Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã tham luận về phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô và các cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước của chính quyền Thủ đô – kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo.
Đồng thời, bà Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội tham luận về chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô – Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo.
Cũng tại Tọa đàm, ông Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink chia sẻ các chính sách giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược; ông Nguyễn Đăng Quang – Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ chia sẻ về định vị Thủ đô trong chiến lược phát triển quốc gia – kinh nghiệm của Indonesia. Đồng thời, nhiều đại sứ, nguyên đại sứ đã phát biểu, thảo luận, chia sẻ về các mô hình, hoạt động quản trị, cơ chế, chính sách… tại các quốc gia khác quy định cho Thủ đô.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cảm ơn sự góp ý quý báu của các vị đại biểu và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ các đại sứ, nguyên đại sứ, các thành viên của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).