Thời gian qua, người dân thôn Vân Sa 1 (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) quen với việc nhận thông tin từ chính quyền xã, huyện; thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử thông qua chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn. Người dân ở Vân Sa 1 tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên, gần gũi. Trước đây, để chuẩn bị triển khai hay thông báo một công việc gì như: Tổ chức họp thôn, nhắc nhở người dân treo cờ trong dịp lễ, tết, tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường phố… bất kể trời mưa hay nắng, đông hay hè, cán bộ thôn thông thường phải đi tới từng nhà, nay nhờ có mạng xã hội, những công việc trên được giảm tải hơn rất nhiều. Theo đó, mọi công việc trước khi triển khai, cán bộ thôn đều thông báo vào nhóm kết bạn với người dân trong thôn để mọi người biết và nắm trước. Thông qua đó, trưởng thôn và Bí thư Chi bộ cũng nhận được nhiều hơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ, phản ánh của người dân để kịp thời giải quyết, báo cáo cấp trên và định hướng tư tưởng, dư luận trong nhân dân. Thôn cũng lắp đặt thêm camera an ninh, phủ sóng hệ thống đèn chiếu sáng tất cả các tuyến đường, sử dụng điều khiển thông minh. |
Bà Phạm Thị Thủy, Bí thư Chi bộ thôn Vân Sa 1 chia sẻ, hiện nay thôn đã xây dựng được 13 ngõ tự quản. Để có được điều đó là nhờ Vân Sa 1 đã triển khai mô hình thôn thông minh – cũng là thôn được thí điểm thực hiện mô hình này của xã. “Đây là kết quả từ sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể người dân trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình thôn thông minh sẽ đem lại sự thuận lợi cho người dân. Khi các nhóm zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước”, Bí thư Chi bộ thôn Vân Sa 1 xã Tản Hồng bày tỏ. Trên các con đường dẫn vào thôn Vân Sa 1, cơ sở hạ tầng ngày càng được khang trang; hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lắp đặt đi sâu vào từng con ngõ; wifi phủ sóng toàn thôn, hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản… mới thấy rõ con đường “số hóa” đã và đang đi vào trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây. Vui mừng về sự thay đổi diện mạo của làng quê, ông Trần Tư, người dân sống ở thôn cho biết, sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội và xây dựng nông thôn mới, người dân rất hài lòng với sự thay đổi diện mạo của làng quê. “Giờ chúng tôi không cần đi đâu mà vẫn tiếp cận được đầy đủ thông tin. Thêm nữa là từ đường làng, ngõ xóm, đường đi lối lại đều sáng sủa, cây cối xanh mát, trong lành; việc ứng dụng các thiết bị điện tử thông minh cũng đã góp phần cho người dân được hưởng lợi ích thiết thực và an toàn hơn…”, ông Trần Tư nói. Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cũng là một địa phương điển hình trong việc đẩy mạnh mô hình thôn thông minh, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Theo đó, xã Song Phượng đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở các thôn. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin, năm 2022, Đan Phượng phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn lên con số 11. Với mô hình thôn thông minh, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu, do vậy mô hình mang lại nhiều giá trị thiết thực. Hay tại huyện Thanh Trì, UBND xã Tam Hiệp quyết định triển khai thực hiện mô hình thôn thông minh tại thôn Huỳnh Cung. Thôn đã thành lập tổ công nghệ số có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt các phần mềm ứng dụng để trao đổi trên môi trường mạng như VneID, VSSID; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thay đổi quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên các trang thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nên tảng số để tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm. Thôn đã triển khai cài đặt các ứng dụng thông minh cho 4.529 đại diện hộ/4.715 tổng số hộ, đạt tỷ lệ 95%. Với việc thành lập tổ công nghệ cộng đồng tại xã và thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận với công nghệ cũng như tìm hiểu, sử dụng các ứng dụng cần thiết một cách nhanh chóng và dễ dàng. |
Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải hoàn thành các tiêu chí bắt buộc gồm: Thu nhập; mô hình nông thôn thông minh và tiêu chí tự chọn. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng có Kế hoạch số 236/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. |
Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn. Theo kế hoạch thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Về xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, Thành phố đề ra mục tiêu phấn đấu: 100% đơn vị (cấp xã, cấp huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa). Tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng Nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến (thực hiện sau khi có hướng dẫn của Trung ương). Đáng chú ý, Thành phố lựa chọn xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) để xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới thông minh. Khuyến khích các huyện, thị xã lựa chọn ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh hoặc xã thương mại điện tử để trực tiếp chỉ đạo thực hiện làm cơ sở để tổng kết và nhân ra diện rộng. Từ chủ trương và các mục tiêu cụ thể trên, Kế hoạch số 236 đã đi vào đời sống thực tế ở nông thôn Hà Nội. Thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) được xem là nơi đầu tiên ở Hà Nội triển khai thành công mô hình “thôn thông minh”. |
Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết, năm 2015, xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Do xác định mục tiêu xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, xã Dương Xá đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở với quyết tâm cao hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022. Để hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi địa phương cần phải có một thôn thông minh bao hàm đủ các điều kiện: Có hạ tầng mạng Internet băng rộng, cáp quang phủ sóng trên 80 % hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G đạt 100 %; có mạng Wifi miễn phí tại Nhà Văn hóa thôn hơn 90 %; người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 70 %; người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, thôn Thuận Quang của Dương Xá đã hoàn thành các tiêu chí này. Địa phương đã tiến hành rà soát, ghi nhận 100% số hộ ở thôn Thuận Quang sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại; 325 hộ đã lắp mạng internet; 153 gia đình có lắp camera giám sát kết nối điều khiển thông qua điện thoại… Thôn cũng triển khai mô hình nông nghiệp thông minh trên diện tích 30 ha cam và ổi. Toàn bộ quy trình canh tác, tưới tiêu, cảnh báo dữ liệu đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm tích hợp các thiết bị IOT, Blockchain, ứng dụng AI giám sát và điều khiển tự động hóa. Với nông sản địa phương, người dân sử dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ khi áp dụng công nghệ vào bán hàng trực tuyến, việc buôn bán của các hộ dân thôn Thuận Quang cũng thuận lợi, khách hàng tìm đến ngày một nhiều hơn… Đại diện UBND xã Dương Xá cho biết thêm, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển các nội dung thôn thông minh tại thôn Thuận Quang, trong đó có xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn. Sau khi hoàn thành các tiêu chí của thôn Thuận Quang, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thôn thông minh đến các thôn khác trên địa bàn xã. |
Tản Hồng, Song Phượng, Tam Hiệp và Dương Xá chỉ là 4 trong số nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới thông minh ở Hà Nội. Việc xây dựng “thôn thông minh” là điều kiện cần và đủ để tiến tới xây dựng các xã thông minh, giúp nông thôn ngày một văn minh, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao. Quyết định số 3098 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, cũng quy định rất rõ mô hình thôn thông minh với các yêu cầu rất cụ thể gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; Giao tiếp thông minh; Thương mại điện tử; Du lịch thông minh; Dịch vụ xã hội. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đây là một tiêu chí mới, do đó sẽ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và cần có thời gian để khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. |
Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do không có khung hướng dẫn mà giao cho cấp tỉnh quy định (mỗi tỉnh, Thành phố sẽ quy định riêng). Mặc dù vậy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở Bộ tiêu chí Thành phố đã ban hành, hiện nay các địa phương cũng đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh. Với ngành nông nghiệp Hà Nội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025 và kế hoạch hàng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với Thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Trước đó, Thành phố đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR. Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Nội đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP… Thành phố đang xem xét để có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Để thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất và bền vững, thành phố Hà Nội cần ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh. Các xã cần xác định rõ lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm động viên nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. |
Có thể thấy, kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngoại thành ở Thủ đô đã trở thành những miền quê đáng sống. Nhìn vào thực tế, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải sớm giải quyết, nhất là tốc độ đô thị hóa. Cùng với đó là vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, nhất là nước thải ở các làng nghề… cũng đặt ra cho chính quyền các cấp ở Hà Nội những “bài toán” không hề đơn giản. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, khai mở tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế – xã hội sẽ là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thủ đô cần có những cách làm phù hợp. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tận dụng, ứng dụng công nghiệp sẽ mang đến nhiều cơ hội xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn một cách hiệu quả và bền vững. Đây là hướng đi mà thành phố Hà Nội đang chọn để phát triển bền vững, để ở đó, mọi tiện ích của chuyển đổi số đều là dân làm, dân hưởng thụ; giảm khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. |
—————————————–
Nội dung: Phương Ngân – Thiết kế: P.T
Bước tiến mới từ mô hình “thôn thông minh” (laodongthudo.vn)