Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện kể từ khi thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia toạ đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển”. |
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc xây dựng luật không nằm ngoài tổng thể hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi Luật Thủ đô cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Bởi, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước nên người dân đều mong muốn xây dựng, phát triển xứng tầm với vị thế, vai trò, đảm bảo trở thành trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, xã hội, là Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.
Các diễn giả chia sẻ các vấn đề liên quan tới sửa đổi Luật Thủ đô. |
Nói về sự cần thiết cho công tác sửa đổi Luật Thủ đô lần này, theo TS. Lê Duy Bình, Luật Thủ đô 2012 đã được triển khai, thực hiện hơn 10 năm. Trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển toàn diện của Thủ đô.
Tuy nhiên, sau 10 năm đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô Hà Nội cũng có sự thay đổi, đặt ra yêu cầu phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, những vấn đề về xã hội, về khoa học giáo dục về y tế…
TS. Lê Duy Bình nhận định, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
TS. Lê Duy Bình – Chuyên gia Kinh tế; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm. |
Nghị quyết số 15-NQ/TW đã cụ thể hóa, xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng ta sẽ xây dựng một Thủ đô đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung vì Hà Nội chính là trái tim của cả nước. Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Hà Nội, mà nó còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước.
Vì vậy, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Đây là những cơ sở cần thiết để dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội nêu ý kiến tại toạ đàm. |
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội, điểm đặc biệt của Hà Nội đó là, Thủ đô của nhiều nước có thể chỉ là trung tâm chính trị, hoặc là trung tâm văn hóa nhưng thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa của cả nước. Với vị thế đặc biệt đó, năm 2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ban hành Pháp lệnh Thủ đô và đến 2012, quy định riêng của Thủ đô được ra đời.
Tuy nhiên, Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô năm 2012 đang dừng lại ở quan điểm, chính sách và chưa phải là quy định cụ thể. Từ quan điểm, chính sách đó, để triển khai thực hiện cần phải có những quy định cụ thể. Bên cạnh đó, khi một văn bản pháp luật được đưa ra cần có thời gian để đánh giá, xem xét xem nó còn thích hợp hay không. Khi nó không còn phù hợp thì tất yếu phải sửa đổi sao cho cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Luật Thủ đô lần này với quan điểm của tôi không phải là Luật sửa đổi mà là một luật “mới”, bởi luật có một chế định mà 2 văn bản trước đây chưa được đề cập đến, nhưng lần này Luật Thủ đô đã đưa vào, đó là quy định về việc tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội. Chính những vấn đề trên chính là lý do cho thấy sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô”, TS. Nguyễn Ngọc Bích cho hay.