Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo hiệu ứng “mỏ neo” thu hút nhà đầu tư chiến lược

Với mục tiêu tạo cơ chế thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư các dự án, ngành, nghề ưu tiên, bảo đảm việc thực hiện thành công các dự án mà Thủ đô ưu tiên thu hút đầu tư, đồng thời tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp thu hút nhiều nhà đầu tư khác tham gia đầu tư, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới góp phần tạo đột phá trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Tại Điều 44, Chương IV Dự thảo Luật quy định, các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô sẽ tập trung về lĩnh vực xây dựng đô thị vệ tinh, dự án giao thông đường sắt đô thị, dự án giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, dự án khu công nghệ cao, các dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch,…

 

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo hiệu ứng “mỏ neo” thu hút nhà đầu tư chiến lược
Hà Nội tạo cơ chế thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có năng lực. (Ảnh minh họa)

Quy định về điều kiện của nhà đầu tư chiến lược, bao gồm thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề, lĩnh vực thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều 44.

Cụ thể, đầu tư dự án trọng điểm của Thủ đô bao gồm: Xây dựng đô thị vệ tinh, dự án giao thông đường sắt đô thị, dự án giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, dự án khu công nghệ cao; xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông;

Dự án công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh;

Dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Cùng đó, Dự thảo Luật quy định, các nhà đầu tư chứng minh được năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có quy mô vốn tương đương với quy mô dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược; có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về việc nội địa hóa, cam kết về thực hiện dự án đầu tư đúng mục tiêu theo Danh mục dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện dự án trọng điểm, trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân, các điều kiện khác đối với nhà đầu tư chiến lược và không thực hiện đúng cam kết với thành phố Hà Nội thì nhà đầu tư chiến lược, cá nhân hoặc tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư không được hưởng ưu đãi quy định tại Luật này.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo hiệu ứng “mỏ neo” thu hút nhà đầu tư chiến lược
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới góp phần tạo đột phá trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhà đầu tư chiến lược, cá nhân hoặc tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ngân sách thành phố Hà Nội các khoản đã được nhận ưu đãi hơn so với nhà đầu tư khác, đồng thời phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các hậu quả phát sinh khác do không thực hiện đúng cam kết của mình.

Nhà đầu tư chiến lược được cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền của thành phố Hà Nội lựa chọn theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Đây là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đã áp dụng trong một số trường hợp được quy định tại Luật Đầu tư để thúc đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án.

Phương thức lựa chọn nhà đầu tư này đối với các dự án ưu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư bên cạnh cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất, mặt nước. Trên thực tế, nhiều dự án từ khi có ý định triển khai cho đến khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư phải mất hàng năm để thực hiện thủ tục.

Hiện nay, nếu thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định Luật Đấu thầu sẽ mất ít nhất 306 ngày (chưa tính thời gian quy hoạch dự án), nếu thực hiện theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian; giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và mang lại hiệu quả kinh tế nhanh cho thành phố Hà Nội (như việc đóng góp ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ…).

Quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố như tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về nội dung này trong Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội thảo khoa học “Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tuy các quy định về nhà đầu tư chiến lược chỉ nằm trong một Điều của dự thảo nhưng khá chi tiết, từ quy định về danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; các ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên có phần chưa đầy đủ, chưa rõ ràng cần được hoàn thiện hơn trong dự thảo Luật.

Bảo Thoa

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo hiệu ứng “mỏ neo” thu hút nhà đầu tư chiến lược (laodongthudo.vn)