Điều này cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là việc ứng dụng, thử nghiệm các mô hình mới được giới hạn về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thời gian và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực mà chưa được pháp luật quy định, cần được thí điểm để tạo đột phá về giá trị và hiệu quả.
Phạm vi lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát bao gồm: Các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, vật liệu mới trong khu công nghệ cao; Tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa;
Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. (Ảnh minh họa) |
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm. Quỹ Bảo Đầu tư mạo hiểm hoạt động theo các quy định như: Trong thời gian thử nghiệm, Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố Hà Nội chỉ đầu tư các dự án ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nguồn có vốn điều lệ của doanh nghiệp không quá 10 tỷ đồng.
Thời gian thử nghiệm mô hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố Hà Nội là 5 năm. Sau khi 5 năm, tùy tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thử nghiệm, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được đầu tư từ Quỹ, dừng mô hình thử nghiệm hoặc kết thúc thử nghiệm để chuyển thành quy định chính thức của Thành phố.
Các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm trong các lĩnh vực quy định phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí và được xét duyệt, cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Thời gian thử nghiệm tối đa 3 năm tùy giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm. Thời hạn của Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm không vượt quá thời hạn (nếu có) của Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.
Các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin có liên quan tới quá trình thử nghiệm theo định kỳ và đột xuất. Trước khi kết thúc thời gian thử nghiệm, tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm phải nộp báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm; Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thử nghiệm;
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; chịu trách nhiệm về việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong quá trình thử nghiệm; xem xét, quyết định về việc dừng thử nghiệm, hoàn thành thử nghiệm hoặc điều chỉnh thời gian thử nghiệm đối với tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm; hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Trên cơ sở đó, giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về giám sát quá trình thử nghiệm và kết thúc thời gian thử nghiệm. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo Dự thảo quy định không áp dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Góp ý về cơ chế thử nhiệm có kiểm soát tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, không nên chỉ giới hạn thử nghiệm tại khu công nghệ cao. Bởi việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ. Có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.
Ví dụ robot giao thức ăn tự hành thì cần có cư dân sinh sống để bán thức ăn thử nghiệm đến nhà dân, trong khi tại các khu công nghệ cao thì có rất ít người dân sinh sống. Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao thì sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên trong công ty đều ăn trong căng tin.
Điểm a Điều 41 mới chỉ ra giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn khu vực khu công nghệ cao. Điểm b mới chỉ nêu địa điểm thử nghiệm chứ chưa đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại một số địa điểm trên địa bàn thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm là gì.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và đề nghị chỉnh lý khoản 2 và bổ sung khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.
Bảo Thoa
Tạo đột phá về cơ chế để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo (laodongthudo.vn)