Ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của vùng Thủ đô. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô có trách nhiệm ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Vùng trên địa bàn của mình.
Ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của vùng Thủ đô vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức đầu tư công – tư (PPP) cho các chương trình, công trình, dự án theo quy định. Các công trình, dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường được đầu tư toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa được hưởng ưu đãi.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ưu tiên ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa: Minh Phương) |
Tiếp đó, Điều 52 (Chương V) quy định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Thủ đô báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, đồng thuận về việc đầu tư thực hiện công trình, dự án trọng điểm của vùng Thủ đô và đề nghị giao bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và trách nhiệm trong việc đầu tư thực hiện dự án. Căn cứ văn bản đồng thuận của các Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng điều phối vùng Thủ đô thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án. Trường hợp có nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án thì được giao bổ sung có mục tiêu cho Ủy ban nhân dân được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án để triển khai thực hiện.
Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô có dự án thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đầu tư dự án liên kết vùng. Sau khi hoàn thành công trình, các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo trì đối với phần công trình nằm trên địa bàn mình.
Trong Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Thông tin một số nội dung nổi bật của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Dự thảo đã thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù; đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ. Lĩnh vực phân quyền toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đơn cử như, về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ.
Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô tại Chương V, một số đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản thể chế được tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị bằng các chính sách cụ thể để vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế – xã hội theo xu hướng xanh, văn minh, năng động; khu vực phát triển trọng điểm của đất nước, đồng thời cũng đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành về vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, liên kết phát triển vùng là nội dung khó, chưa được pháp lý hóa rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế – xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.
Bảo Thoa
Ưu tiên ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng Thủ đô (laodongthudo.vn)